(CTTĐTBP) - Ngày 10/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Chủ đề Tháng hành động năm 2024 là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, được triển khai trên toàn tỉnh từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024.
Mục đích của việc triển khai Tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng về việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 sẽ được triển khai với nhiều hoạt động chính như sau: Tổ chức triển khai Tháng hành động; triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm; hoạt động kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động; công tác báo cáo tổng kết Tháng hành động.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động năm 2024 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn. Tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn. Huy động hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; đồng thời, cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương./.