Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bổ và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột và đề xuất xây dựng phương án tổ chức diệt chuột cộng đồng hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn và hiệu quả để các địa phương thực hiện. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc diệt chuột sinh học, hiệu quả để đưa vào sử dụng phòng, chống chuột.
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt việc chỉ đạo sản xuất, chăm sóc cây trồng kết hợp với công tác phòng chống chuột (tổ chức sản xuất quy mô lớn để thuận lợi áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật, gieo cấy tập trung, đồng loạt và bố trí bẫy cây trồng...). Thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Thông tin, tuyên truyền các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất và xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng chống chuột hiệu quả. Bố trí kinh phí để các cơ quan chuyên môn tổ chức, thực hiện công tác phòng chống chuột hiệu quả.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức triển khai công tác phòng chống chuột để bảo vệ hoạt động sản xuất trồng trọt trên địa bàn với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng chống chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Bố trí nguồn kinh phí để các cơ quan chuyên môn tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống chuột trên địa bàn./.