(CTTĐTBP) - Ngày 29/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Việc phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành triển khai có hiệu quả Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án đặt ra.
Cụ thể hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các bộ phận nghiệp vụ, chuyên môn về hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, thị trường cho 100% cán bộ quản lý, điều hành của 02 HTX, đặc biệt là HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai. Hỗ trợ HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai phát triển chuỗi liên kết sản xuất điều bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên. Tiếp tục củng cố phát triển vùng nguyên liệu điều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai. Tăng cường hỗ trợ xây dựng sản phẩm của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai được chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ 02 HTX tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tuyên truyền vận động thành lập HTX nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các mô hình kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay cũng như đứng trước nhiều ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tại các xã, huyện có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là các xã thuộc huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập. Thực hiện tuyên truyền thường xuyên bằng các phương pháp đơn giản, dễ hiểu.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, thị trường cho thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai. Tạo điều kiện tối đa để bộ máy quản lý các HTX tham gia các lớp đào tạo sơ cấp giám đốc HTX. Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp về làm việc tại các HTX nông nghiệp.
Hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất điều, ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ Kế hoạch liên kết sản xuất của các HTX có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất điều theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX khác, khuyến khích HTX tham gia chuyển đổi số, hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng internet, các ứng dụng bán hàng trực tuyến và dự án “Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Liên minh HTX Việt Nam triển khai. Ưu tiên hỗ trợ các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về vốn vay ưu đãi, hạ tầng…, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các dự án về xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, sơ chế và chế biến điều, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị./.