Kế hoạch điều tra rừng nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đánh giá được diện tích rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng) và đất quy hoạch lâm nghiệp; trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng của từng loại rừng.
Đồng thời, đánh giá tình trạng quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 3 loại rừng; diện tích rừng tự nhiên hiện còn phân bổ manh mún, xen kẽ trong các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt trước đây góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Làm cơ sở thực tiễn để tổng hợp, xây dựng và triển khai các nội dung định khung giá rừng theo quy định mới tại Thông tư số 20/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hoạt động quản lý rừng bền vững và phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Kết quả điều tra rừng là cơ sở để cập nhật vào cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng năm 2025 và công bố kết quả điều tra rừng theo quy định.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra nội dung, phương pháp thực hiện cụ thể như sau:
Điều tra diện tích rừng
Nội dung thực hiện: Điều tra diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh, rừng tự nhiên thứ sinh. Điều tra diện tích rừng tự nhiên theo loại rừng, điều kiện lập địa. Điều tra diện tích rừng trồng theo loài cây, cấp tuổi. Điều tra diện tích khoanh nuôi tái sinh, diện tích mới trồng chưa thành rừng, diện tích khác đang được sử dụng để bảo vệ phát triển rừng. Điều tra diện tích các trạng thái rừng theo chủ rừng và theo đơn vị hành chính.
Phương pháp thực hiện: Điều tra diện tích rừng được thực hiện theo lô trạng thái rừng. Giải đoán ảnh viễn thám; xây dựng bản đồ giải đoán hiện trạng rừng bằng phần mềm chuyên dụng; trường hợp, ảnh viễn thám không đảm bảo hoặc các khu vực thiếu ảnh thì cần có phương án thay thế (bay chụp, điều tra mặt đất bổ sung...). Điều tra bổ sung hiện trạng các lô trạng thái rừng ngoài thực địa. Biên tập, hoàn thiện bản đồ hiện trạng rừng và tính toán diện tích các lô trạng thái rừng bằng các phần mềm chuyên dụng.
Điều tra trữ lượng rừng
Nội dung thực hiện: Điều tra trữ lượng gỗ của rừng tự nhiên và rừng trồng. Điều tra trữ lượng tre nứa của rừng tự nhiên và rừng trồng. Điều tra trữ lượng gỗ và trữ lượng tre nứa của rừng hỗn giao gỗ - tre nứa.
Phương pháp thực hiện: Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí ngẫu nhiên hoặc hệ thống, diện tích 1.000 m2, đối với những trạng thái rừng tự nhiên có diện tích lớn hơn 2.000 ha. Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí điển hình, diện tích từ 500 m2 đến 1.000 m2, đối với những trạng thái rừng tự nhiên có diện tích nhỏ hơn 2.000 ha; tỷ lệ diện tích rút mẫu điều tra từ 0,01% đến 0,1%. Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí điển hình theo từng trạng thái rừng (loài cây, cấp tuổi), diện tích từ 100 m2 đến 500 m2 đối với rừng trồng; tỷ lệ diện tích rút mẫu điều tra từ 0,01 % đến 0,05%. Điều tra cây gỗ và cây tre nứa bao gồm: xác định tên loài cây, phẩm chất cây, đo chiều cao vút ngọn, đường kính thân tại vị trí 1,3 m. Sử dụng các thiết bị điều tra nhanh trữ lượng rừng. Sử dụng biểu trữ lượng, sản lượng lập sẵn để tra cứu. Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để xử lý, phương pháp thống kê toán học tính toán trữ lượng rừng.
Tính toán trữ lượng các-bon rừng
Trữ lượng cac-bon trong sinh khối rừng được tính cho từng kiểu rừng theo phưong pháp gián tiếp được tính theo công thức sau:
C = (V x BCEF) x (1+R) x CF
Trong đó: C là trữ lượng cac-bon (Mg); V là trữ lượng gỗ (m3); BCEF là hệ số chuyển đổi và mở rộng thể tích thân thành sinh khối trên mặt đất (Mg/m3); R là tỷ số sinh khối dưới, mặt đất so với sinh khối trên mặt đát (không thứ nguyên). CF là tỷ lệ cac-bon của sinh khối rừng trên mặt đất hệ số cac-bon, thường mặc định CF =0,47./.