Công văn nêu rõ, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Phước, công tác này trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai, thực hiện kịp thời Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và các văn bản pháp luật có liên quan. Từ đó, phát huy được tính hiệu lực, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thừa phát lại.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại trên địa bàn tỉnh còn có một số tồn tại, hạn chế: thiếu nguồn lực thừa phát lại; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; hoạt động hành nghề của thừa phát lại trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được hết các công việc thừa phát lại được làm theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP mới chỉ dừng lại ở việc lập vi bằng; còn các công việc như tống đạt văn bản, giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án không phát sinh hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp, hỗ trợ Văn phòng thừa phát lại, thừa phát lại thực hiện các công việc được làm theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ hoạt động tống đạt giấy tờ, tài liệu trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm phối hợp trong hoạt động hành nghề thừa phát lại, cung cấp thông tin về đương sự và tài sản theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu Văn phòng thừa phát lại phục vụ cho việc lập vi bằng, tống đạt giấy tờ, tài liệu.
Các Văn phòng thừa phát lại tổ chức triển khai thực hiện các công việc thừa phát lại được làm theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương./.