Để rộng đường dư luận, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước để làm rõ thông tin về trường hợp tử vong này.
* Hội đồng y khoa của tỉnh đã có thông tin như thế nào về nguyên nhân dẫn đến trường hợp một trẻ em bị tử vong sau khi tiêm vắc xin, thưa ông?
Trường hợp tử vong đáng tiếc sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 được xác định là cháu Điểu T, sinh ngày 20-12-2008, ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú.
Khoảng 14 giờ ngày 29-11-2021, mẹ của cháu có đưa cháu Điểu T ra Trạm Y tế xã Tân Lợi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Khi ra điểm tiêm, cán bộ y tế đều làm đúng các quy trình như: hướng dẫn khai báo thông tin, ghi vào phiếu, tư vấn, khám sàng lọc…
Vắc xin phòng Covid-19 là "tấm khiên" cho trẻ em và mọi người sống an toàn hơn trước đại dịch (ảnh minh họa)
Đến khoảng 15 giờ 30 phút, cán bộ y tế tổ chức tiêm cho cháu Điểu T theo đúng quy trình. Sau khi tiêm xong, cháu Điểu T được đưa ra khu vực riêng để theo dõi 30 phút sau tiêm. Đến khoảng 16 giờ, sau theo dõi sức khỏe không có biểu hiện gì bất thường, cháu Điểu T được trở về nhà và cán bộ y tế đã hướng dẫn theo dõi sức khỏe cho cháu. Đồng thời căn dặn, nếu có biểu hiện bất thường thì thông báo ngay cho Trạm Y tế và đưa ra cơ sở y tế gần nhất.
Khoảng 17 giờ đến 17 giờ 30 phút, gia đình nấu cơm và cháu có ra ăn. Khoảng một tiếng sau cháu bị nôn, ói và đi cầu, có biểu hiện mệt, không thở được. Gia đình đưa cháu vào giường nghỉ ngơi.
Đến khoảng 19 giờ, gia đình đưa cháu T đến Bệnh viện Quân dân y 16. Tại đây cháu được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 (mạch 79 lần/ phút; huyết áp 100/60 mmHg, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc chậm, mệt nhiều, thở nhanh nông, SPO2 96%) và đến 1 giờ 10 phút ngày 30-11-2021 thì được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thở oxy 5 lít/ phút, chuyền Natriclorua 0.9% 500ml TMC.
Do bệnh nhân chuyển biến xấu, có dấu hiệu viêm cơ tim cấp nên đến 2 giờ 15 phút ngày 30-11-2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, nhưng đáng tiếc đến khoảng 5 giờ cùng ngày cháu T đã tử vong.
* Xin ông cho biết vắc xin tiêm cho trẻ em trên địa bàn tỉnh là loại gì và mức độ an toàn được các cơ quan y tế đánh giá như thế nào?
Vắc xin mà tỉnh Bình Phước đã triển khai tiêm cho cháu T và các đợt tiêm trẻ em là Pfizer-BioNTech của Mỹ. Đây là vắc xin đã được sử dụng rộng rãi trong nước và rất nhiều quốc gia. Ngay cả quá trình vận chuyển bảo quản tỉnh Bình Phước cũng được Bộ Y tế đánh giá đảm bảo đúng quy định.
* Qua trường hợp tử vong đáng tiếc ở huyện Đồng Phú, hệ thống tiêm phòng cần lưu ý điều gì khi tỉnh còn nhiều đợt tiêm cho trẻ em trong thời gian tới, thưa ông?
Đây mới là đợt tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi của tỉnh Bình Phước, sắp tới còn những đợt tiếp theo. Qua sự việc đáng tiếc vừa qua, chúng tôi cũng đã khuyến cáo đến toàn hệ thống cơ sở y tế trong tỉnh phải lưu ý hơn nữa đối với từng người, nhất là trẻ em khi tiến hành tiêm vắc xin.
Một lần nữa tôi nhấn mạnh: Việc sốc phản vệ khi tiêm phòng thì bất kỳ loại vắc xin nào cũng có thể xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ là rất thấp. Tử vong sau tiêm lại càng thấp hơn, đây là trường hợp hiếm gặp nhưng không may lại xảy ra với một cháu nhỏ ở Bình Phước.
* Ông có lời khuyên nào cho phụ huynh cũng như trẻ em trước và sau tiêm?
Tôi mong muốn sau sự cố đáng tiếc này, các bậc phụ huynh, các em nhỏ và toàn dân trong tỉnh hết sức bình tĩnh và phải tin tưởng vào vắc xin phòng Covid-19 mà chúng ta đang tiến hành tiêm cho người dân. Vì chỉ có tiêm vắc xin chúng ta mới có khả năng an toàn trước đại dịch.
Để an toàn và phát hiện kịp thời những tác dụng phụ sau tiêm vắc xin, các phụ huynh cũng như người dân cần lưu ý, nhất là trẻ nhỏ phải cho các cháu ăn uống đầy đủ chất, vận động thể dục, thể thao. Sau tiêm phải theo dõi sức khỏe, nếu có những biểu hiện bất thường như cơ quan y tế khuyến cáo trên tờ giấy xác nhận sau tiêm phát cho mỗi người thì phải đến ngay cơ quan y tế gần nhất.
* Trân trọng cảm ơn ông!