Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 30/03/2023 10:35
(CTTĐTBP) - Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có tổng chiều dài 12,4km, đi qua các xã Lộc Tấn, Lộc Thạnh và Lộc Hòa của huyện Lộc Ninh. Tháng 9-2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước phối hợp huyện Lộc Ninh tổ chức họp dân công bố dự án, triển khai cắm mốc, kiểm kê tài sản, cây trồng trên đất. Như nhiều dự án khác, khâu giải phóng mặt bằng bao giờ cũng mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn. Để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Ninh đã phối hợp chủ đầu tư, UBND các xã có dự án đi qua vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm cho đơn vị thi công.
Mong sớm triển khai dự án
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (dự án) được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt vào tháng 5-2020, tổng kinh phí đầu tư 450 tỷ đồng. Tháng 8-2022, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án, điều chỉnh tim tuyến thiết kế đoạn từ Km134+500 đến Km136+600 nhằm giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án là 483 hộ. Theo thiết kế, dự án chia làm 2 đoạn. Đoạn 1, từ ngã ba Liên ngành (xã Lộc Tấn) đến ngã ba Chiu Riu, giải tỏa từ tim đường vào mỗi bên 12m. Đoạn 2, từ ngã ba Chiu Riu đến Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, giải tỏa từ tim đường vào mỗi bên 24m. Việc mở rộng quốc lộ 13 không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư mà còn hình thành những khu đô thị, dịch vụ chạy dọc tuyến đường, tạo sức bật mới cho Lộc Ninh phát triển trong tương lai.
Những năm qua, tiệm tạp hóa của anh Hoàng Thanh Minh ở ấp Thạnh Cường, xã Lộc Thạnh cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho nhiều người dân vùng biên. Thực hiện dự án, anh Minh phải dỡ bỏ tiệm tạp hóa để mở rộng đường. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, hơn 1 năm trước, anh đã tự nguyện tháo dỡ đèn đường, nhưng đến nay, huyện Lộc Ninh vẫn chưa ban hành thông báo thu hồi đất đối với gia đình. Vì chưa biết khi nào dự án thực hiện nên anh Minh chưa tháo dỡ căn nhà. Như nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, anh rất mong được áp giá bồi thường để di dời nhà cửa, ổn định cuộc sống. Anh Minh cho biết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương mở rộng quốc lộ 13, sẵn sàng giải phóng mặt bằng cho Nhà nước làm đường, nhưng hiện gia đình vẫn chưa nhận được thông báo thu hồi đất”.
Theo một số hộ dân, mặt đường quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư nhỏ hẹp. Vì chưa có hệ thống cống, rãnh nên sau mỗi cơn mưa, nước thường chảy tràn qua đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ông Lê Văn Đức ở ấp Thạnh Cường, xã Lộc Thạnh chia sẻ: “Mỗi lần trời mưa, nước ngập quốc lộ 13 đoạn trước nhà tôi khoảng 30cm. Nhiều phương tiện tham gia giao thông ngập trong vũng nước, văng lên người đi đường. Một số vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên đoạn này. Người dân ở đây rất mong dự án triển khai nhanh để ổn định cuộc sống”. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng đường là rất cần thiết, góp phần thông thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên.
Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng
Thời gian qua, xã Lộc Thạnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng. Vì chưa được áp giá bồi thường nên nhiều hộ dân lo lắng. Ấp Thạnh Cường, xã Lộc Thạnh có khoảng 45 hộ dân thuộc diện thu hồi đất để mở rộng quốc lộ 13. Qua vận động, đa số người dân đồng thuận chủ trương làm đường, song công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá chậm nên nhiều hộ chưa vội tháo dỡ công trình, trong khi công trình đèn đường do người dân đóng tiền thực hiện đã tháo dỡ hơn 1 năm. Không có đèn đường thắp sáng, khu vực này càng thêm vắng lặng về đêm. Dù rất muốn lắp đèn đường nhưng người dân phải chờ đến khi đường làm xong.
Ông Hà Văn Vinh, Trưởng ấp Thạnh Cường cho biết: “Năm 2021, cơ quan chức năng đi cắm mốc phóng tuyến, năm 2022 điều chỉnh nắn tuyến. Đến nay, dự án chỉ mới thực hiện kiểm kê tài sản trên đất. Người dân trong ấp rất mong dự án triển khai công tác áp giá, chi trả tiền bồi thường để di dời, xây dựng lại nhà cửa. Hiện nay, một số hộ có mặt tiền nhưng không thể xây dựng để kinh doanh buôn bán vì còn chờ giải tỏa. Nhiều đoạn không có cầu, cống, người dân đi từ nhà ra quốc lộ rất khó khăn”.
Cuối năm 2022, UBND huyện Lộc Ninh phê duyệt phương án hỗ trợ tài sản trên đất (đợt 1). Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã chi trả tiền cho 108/183 người. Đầu tháng 2 năm nay, trung tâm đã gửi thông báo (lần 2) đề nghị các xã tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nguồn gốc đất thu hồi là đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý thuộc địa bàn xã Lộc Thạnh và Lộc Hòa. Căn cứ các Điều 75, 76, Luật Đất đai năm 2013, điều kiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì người có đất thu hồi trên đoạn tuyến này không đủ điều kiện bồi thường về đất. Trường hợp đất thuộc hành lang bảo vệ đường bộ, hành lang bảo vệ sông, suối khi thu hồi để thực hiện dự án thì được xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất áp dụng theo điểm b khoản 18, 19, 22, Điều 1, Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ban hành theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Gia đình chị Trần Thị Thủy Tiên ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh thuộc diện bị thu hồi đất (đợt 1). Theo quy định, căn nhà chỉ được hỗ trợ 30% giá trị bồi thường theo đơn giá do UBND tỉnh ban hành, tương đương 128 triệu đồng. Tuy còn thắc mắc về đơn giá bồi thường nhưng chị Tiên vẫn tự nguyện tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trong 3 xã có dự án đi qua, Lộc Thạnh có tổng số hộ giải tỏa nhiều nhất với 279 hộ. Nguồn gốc đất thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và đất trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ thuộc đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý. Năm 2010, diện tích đất lâm nghiệp dọc quốc lộ 13 thuộc xã Lộc Thạnh, Lộc Hòa đã giao cho Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư quản lý. Qua vận động, hơn 90% hộ dân trên tuyến đã chấp hành giải phóng mặt bằng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Ninh đã phối hợp chủ đầu tư, UBND các xã vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, với diện tích 15 ha; phối hợp cơ quan chuyên môn xác định giá trị chuyển nhượng thực tế tại thời điểm thu hồi đất, trình UBND tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng đúng chính sách bồi thường. Ngoài ra, những hộ bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề theo quy định.
Ông TRẦN ĐÌNH LONG Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Ninh
Theo kế hoạch, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thực hiện trong giai đoạn từ 2020-2024. Đây là trục giao thông quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Do vậy, rất cần cấp có thẩm quyền và ngành chức năng vào cuộc đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đưa vào sử dụng.