Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và triệt để các kết luận thanh tra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác xử lý sau thanh tra; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và sự gương mẫu, tự giác, trung thực của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc xử lý sau thanh tra..., kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp (nếu có).
Các cơ quan thanh tra thực hiện nghiêm việc gửi các kết luận thanh tra đến cấp ủy các địa phương để phối hợp chỉ đạo việc thực hiện sau thanh tra; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với Ủy ban kiểm tra cùng cấp trong việc cung cấp các kết luận thanh tra, nhất là liên quan đến các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, việc đánh giá, kết luận xử lý làm rõ trách nhiệm các sai phạm phải tương xứng với nhận định trong nhận xét đánh giá; nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngày hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các kiến nghị tại các kết luận thanh tra, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thông báo, kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.