Thời gian gần đây, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp, phê duyệt phương án an toàn lao động; công tác tuyên truyền, tập huấn an toàn, vệ sinh lao động chưa thường xuyên, liên tục có chỗ mang tính đối phó không đầy đủ, không sát với nhiệm vụ công việc của người lao động; quản lý, kiểm định, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm; một số tổ chức được chỉ định hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động chưa thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm định, tổ chức đào tạo, tập huấn an toàn, vệ sinh lao động...
Nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2.
Các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thực hiện kiểm tra, rà soát, tuân thủ pháp luật trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị, đặc biệt kiểm tra việc xây dựng biện pháp, phương án làm việc an toàn; kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; quản lý, kiểm định sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động.
Các tổ chức, đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động chủ động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nhiệm vụ chủ động rà soát, tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động chủ động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Thường xuyên cập nhật chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chấp hành chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm kết quả hoạt động theo từng lĩnh vực theo quy định. Người đứng đầu các tổ chức đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động chủ động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2 tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức, cá nhân đơn vị mình theo quy định pháp luật.
Cục An toàn lao động, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm an toàn, vệ sinh lao động; tạm đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động và đánh giá sự phù hợp sản phẩm hàng hoá nhóm 2 đối với những đơn vị sai phạm nghiêm trọng trong việc tổ chức thực hiện hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động; tổng hợp các kiến nghị, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đảm bảo phù hợp và khả thi trong thực tiễn./.