Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 15/02/2022 16:04
(CTTĐTBP) - Sáng nay (15/2), tại điểm cầu Bình Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, cùng lãnh đạo các sở, ngành và một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) điển hình đã dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Theo đánh giá tại hội nghị, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kiểu cũ kém hiệu quả sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX), trong đó nòng cốt là HTX - một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các tổ chức kinh tế hợp tác đã từng bước liên kết những người sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau, cùng phát triển. Qua đó nhằm chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên theo hướng liên kết cộng đồng, mở rộng hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác. Khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên.
Doanh số cho vay đối với khu vực KTTT đạt gần 69 ngàn tỷ đồng. KTTT đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, đưa tỷ trọng của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chiếm trên 30% GDP cả nước.
Đến hết năm 2021, cả nước có 27.342 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Đến nay, cả nước có 271 tổ chức khoa học, hơn 586 ngàn nông dân, hơn 4 ngàn HTX nông nghiệp tham gia liên kết với gần 1.900 doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Doanh thu bình quân 1 HTX năm 2021 đạt 2.657 triệu đồng, tăng 1.644 triệu đồng so với năm 2001. Đến cuối năm 2021, cả nước có 69.294 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác đạt hơn 294 triệu đồng/năm, tăng 6,5 lần so với năm 2001.
Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012, KTTT với nòng cốt là HTX đã thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.
Các tham luận tại hội nghị sáng nay đã làm rõ hơn những kết quả đạt được mang tính đột phá trong 20 năm thực hiện mô hình KTTT; đồng thời phân tích sâu mặt khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định vai trò quan trọng của KTTT, trong đó nòng cốt là HTX trong nền kinh tế quốc dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở các địa phương; đồng thời nhấn mạnh, những khó khăn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế đã được Ban chỉ đạo Trung ương và một số bộ, ngành, địa phương chỉ ra trong quá trình phát triển KTTT.
Để mô hình này hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Ban chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành hữu quan cần nghiên cứu cơ chế chính sách mới, phù hợp với thực tiễn, trong đó cần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn trong mô hình KTTT; phải tăng cường việc đôn đốc, lắng nghe từ thực tiễn, từ đó nhân rộng những mô hình hiệu quả. Các tỉnh, thành phố cần quan tâm sát sao hơn nữa sự phát triển mô hình KTTT, cần sáng tạo trong việc sử dụng nền kinh tế xanh, kinh tế số gắn với KTTT; huy động nguồn lực tham gia thực hiện trên cơ sở kế thừa và đổi mới, phát triển những mô hình tiên tiến. Quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý cho những mô hình có thế mạnh ở địa phương, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ và nhân lực tham gia, thích ứng phù hợp với từng thời điểm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình KTTT, Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các mô hình KTTT cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, tăng cường liên doanh, liên kết trong quá trình hoạt động để tạo ra những giá trị cao hơn./.