(CTTĐTBP) - Ngày 22/11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3560/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để chủ động phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các quyết định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật của UBND tỉnh đã phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023. Tiếp tục tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có nguy cơ cao, đang có dịch bệnh phát sinh. Khẩn trương phối hợp Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp giám sát dịch bệnh động vật, tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tiêu độc khử trùng môi trường... theo các kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc. Tăng cường hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh qua các chốt. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Xây dựng dự toán chi tiết thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023 thuộc phần kinh phí cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định; đảm bảo kinh phí đầy đủ mua vắc xin, thuốc sát trùng và các chi phí liên quan khác phục vụ phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý. Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong đó, cần bố trí kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch phòng chống bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, bệnh dại, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh... theo phân cấp của UBND tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dại... bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y và UBND tỉnh.
Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật. Tăng cường hoạt động Đội kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. UBND các huyện biên giới (Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập) tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, họp cộng đồng về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Thành lập các đoàn công tác cấp huyện đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường, củng cố lượng thú y cấp huyện, cấp xã đảm bảo năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn./.