Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ ba - 27/02/2024 11:11
(CTTĐTBP) - Ngày 27/02/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành văn bản về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2024.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong thời gian tới, vì một ngành thủy sản phát triển xanh, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan triển khai hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiến tới việc chấm dứt tình trạng trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, tình trạng xâm phạm các khu bảo tồn biển.

Chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện và hoàn thành các nội dung của Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, tạo sự thay đổi trong nhận thức về vị trí và vai trò của công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với toàn xã hội với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với văn hóa của từng địa phương; đưa một số nội dung về bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào trường học. Triển khai thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng nội đồng; thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, qui hoạch, qui định về quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Về bảo tồn biển, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn biển, Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; không được giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển cho các tổ chức, cá nhân để xây dựng các công trình phục vụ du lịch trái với các quy định của pháp luật.

Đồng thời, giao Ban Quản lý khu bảo tồn biển triển khai xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển. Xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; thực hiện nhiệm vụ đánh giá biến động đa dạng sinh học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển. Hoàn thiện việc thả phao ranh giới phân khu chức năng; Tổng hợp danh mục các khu vực có hệ sinh thái biển cần phục hồi, khu vực có khả năng thả rạn nhân tạo để tái tạo, phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật biển, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản. Rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển hiện có; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thành lập mới khu bảo tồn biển theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau).

Bố trí lực lượng Kiểm ngư tại các khu bảo tồn biển /vườn quốc gia có hợp phần biển để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý khu bảo tồn biển /vườn quốc gia có hợp phần biển trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các khu bảo tồn biển /vườn quốc gia có hợp phần biển (ký qui chế phối hợp/kế hoạch); xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý bảo tồn biển.

Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng và thực hiện Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển, nhân rộng các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã triển khai và đạt hiệu quả tốt. Thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh trong công tác phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản; huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, thả rạn nhân tạo. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài bản địa, loài nguy cấp quí hiếm; tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản trong các khu bảo tồn biển, các thủy vực. Tổ chức triển khai các quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: xác nhận nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản; thả giống tái tạo nguồn lợi đối với các loài được nghiên cứu nhân nuôi thành công theo quy định; công tác cứu hộ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho hệ thống thanh tra chuyên ngành, lực lượng kiểm ngư; tập trung thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính Phủ. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đặt biệt kinh phí, biên chế, nhà làm việc, tàu tuần tra, cơ sở vật chất cho các khu bảo tồn biển để triển khai các hoạt động quản lý hiệu quả, thực thi pháp luật tại các khu bảo tồn biển./.

Tác giả: Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,097
  • Hôm nay233,884
  • Tháng hiện tại18,056,220
  • Tổng lượt truy cập477,948,907
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây