Sức hút của mít ruột đỏ OCOP 4 sao Bình Phước

Thứ năm - 19/05/2022 16:02

(CTTĐTBP) - Trong bối cảnh dịch Covid-19, mít ruột đỏ - sản phẩm vừa được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Bình Phước, vẫn có sức hút lớn với người tiêu dùng.

Người gieo mầm

Ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, mô hình mít ruột đỏ Global GAP của anh Nguyễn Viết Vị - Giám đốc HTX Phước Thiện được xem là kiểu mẫu để bà con tham quan, học hỏi.

Vườn mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện với hệ thống tưới tận gốc và kỹ thuật bao trái phòng trừ sâu bệnh giúp vườn cây đạt chuẩn Global GAP. Ảnh: Trần Trung.
Vườn mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện với hệ thống tưới tận gốc và kỹ thuật bao trái phòng trừ sâu bệnh giúp vườn cây đạt chuẩn Global GAP

Đến đây, chúng tôi được đi thăm vườn mít rộng hàng chục ha được đầu tư quy hoạch bài bản từ hệ thống ủ phân hữu cơ, tưới tự động, xe cơ giới cho đến khu vực tập kết và sơ chế mít đẹp như công viên. Anh Vị chia sẻ, gắn bó trên đất Bù Đốp từ nhỏ, anh biết rất rõ về tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Sau khi thất bại với cây tiêu, anh cũng như nhiều người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn quả nhưng do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, canh tác manh mún, nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều bà con bị cuốn vào vòng xoáy “trồng chặt, chặt trồng”.

Hệ thống trữ nước nhằm đảo bảo cung cấp nước thường xuyên, liên tục cho vườn cây trong mùa khô được xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Ảnh: Trần Trung.
Hệ thống trữ nước nhằm đảo bảo cung cấp nước thường xuyên, liên tục cho vườn cây trong mùa khô được xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu

Năm 2015, trong chuyến đi công tác cùng một người bạn, anh tình cờ được giới thiệu và dùng thử mít ruột đỏ. Điều khiến anh thích nhất là những múi mít có cùi dày, vị ngọt thanh pha lẫn hương vani, màu đỏ như cà rốt bắt mắt đã kích thích anh mày mò tìm hiểu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Qua tìm hiểu, nhận thấy giống mít này dễ trồng, kháng bệnh tốt, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng nên anh quyết định mua gần 100 cây giống về trồng thử nghiệm.

Cây mít ruột đỏ thích nghi với vùng đất Bình Phước cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Trần Trung.
Cây mít ruột đỏ thích nghi với vùng đất Bình Phước cho năng suất và chất lượng cao

Sau 2 năm trồng, cây thích nghi khá tốt và cho lứa quả đầu tiên, không chỉ giữ được phẩm chất của giống đầu dòng, cây còn cho quả to hơn, chất lượng tốt hơn. Không chần chừ, anh cùng các cộng sự trong HTX bắt tay ngay vào nghiên cứu, lai tạo giống mang thương hiệu PT79 và triển khai trồng đại trà.

Theo anh Vị, năm 2020 - 2021 vừa qua, bất chấp đại dịch Covid-19, nhờ những phẩm chất đặc biệt, sau khi tung ra thị trường, ngay lập tức mít ruột đỏ đã gây được sự chú ý và được đón nhận nồng nhiệt. Có thời điểm giá mít tươi gần 100.000/kg, mỗi trái mít có giá cả triệu đồng nhưng vẫn được người tiêu dùng săn đón, Điều đặc biệt, sau khi thưởng thức, hầu hết khách hàng đều đánh giá cao và quay lại sử dụng. Ngoài ra, cũng có không ít các chủ doanh nghiệp, siêu thị lớn tìm đến để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm.

Thương lái đến tận vườn cây thu mua sản phẩm. Ảnh: Trần Trung.
Thương lái đến tận vườn cây thu mua sản phẩm

“Giống mít này có thời gian sinh trưởng ngắn, ra trái quanh năm, thích nghi mọi loại đất, đặc biệt, nếu canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giảm được chi phí đầu vào bởi cây không kén phân và ít sâu bệnh, bình quân chi phí cho mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn đồng 1 năm. Cây trưởng thành có thể cho 15 - 30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14 - 15kg.  Một ha đất trồng khoảng 270 cây, nếu giá mít chỉ cần duy trì ổn định từ 40 - 60 ngàn đồng/kg, mỗi ha có thể đem lại thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí”, anh Vị tiết lộ.

Chế biến sâu, mở rộng thị trường

Để phát triển HTX nói chung và sản phẩm mít ruột đỏ nói riêng thật sự bền vững, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi tất yếu. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp các ngành địa phương, và tận dụng nguồn lực của HTX, anh đã cho xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm về mít như: mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh… với khoảng 100 tấn múi/tháng.

một góc khu vực sơ chế mít của HTX. Ảnh: Trần Trung.
Một góc khu vực sơ chế mít của HTX

Việc sơ chế chế biến sâu sản phẩm không chỉ giúp HTX giải bài toán bảo quản nông sản, còn tăng thu nhập cho các thành viên. Ngoài ra, với việc chủ động được từ khâu sản xuất đến bàn ăn, người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm tốt với giá cả phải chăng. Tuy việc vận hành nhà máy đang từng bước được hoàn thiện nhưng thành công bước đầu của HTX là việc đàm phán thành công với công ty thu mua tại Hà Lan nhập khẩu với số lượng 2 tấn mít tươi hút chân không/tuần. Về sản phẩm mít sấy lạnh của HTX đã có mặt tại một số chuỗi đại lý bán lẻ trong và ngoài địa phương.

Sau sơ chế, mít được đưa vào hệ thống sấy lạnh. Ảnh: Trần Trung.
Sau sơ chế, mít được đưa vào hệ thống sấy lạnh

“Để tiếp tục mở rộng thị trường, HTX đang tích cực ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử… Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh nhưng các sản phẩm từ mít ruột đỏ mang thương hiệu PT79 của HTX đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường nhờ chiến lược linh hoạt của HTX”, anh Vị chia sẻ.

Sản phẩm mít sấy HTX có mặt tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm OCOP. Ảnh: Trần Trung.
Sản phẩm mít sấy HTX có mặt tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm OCOP

Sau khi có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ làm giàu cho bản thân và 22 thành viên của HTX, anh Vị còn tích cực chia sẻ giống, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con và các HTX trong và ngoài địa phương. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến HTX Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập) với hơn 100 thành viên tham gia canh tác mít ruột đỏ dưới sự hỗ trợ của HTX Phước Thiện.

Là người hướng dẫn các thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Ơ tìm hiểu và bắt tay liên kết HTX Phước Thiện, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Ơ cho biết, sau một thời gian tìm hiểu cây mít ruột đỏ, nhận thấy loài cây này có nhiều triển vọng. Đặc biệt, khi tham gia chuỗi liên kết, các thành viên không chỉ được tiếp cận và hỗ trợ về  giống chuẩn, kỹ thuật canh tác mà còn được bao tiêu sản phẩm.

Anh Vị (áo đỏ thứ 5 từ trái sang phải) chia sẻ kỹ thuật canh tác cho các thành viên HTX Đắk Ơ. Ảnh: Trần Trung.
Anh Vị (áo đỏ thứ 5 từ trái sang phải) chia sẻ kỹ thuật canh tác cho các thành viên HTX Đắk Ơ

“Với sự cam kết của HTX Phước Thiện về việc đồng hành với người dân từ khâu chuyển giao kỹ thuật, cách chăm sóc tới bao tiêu sản phẩm, người dân ở Đắk Ơ nói riêng và nông dân tỉnh Bình Phước nói chung sẽ thêm cơ hội phát triển kinh tế ổn định, bền vững”, ông Khánh phấn khởi nói.

Theo anh Vị, bên cạnh đảm bảo tính minh bạch về chất lượng, an toàn của sản phẩm, việc xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn và cung cấp thường xuyên, liên tục là điều tiên quyết của hầu hết các doanh nghiệp thành công.

HTX Phước Thiện hỗ trợ cây giống mít ruột đỏ cho người dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Trần Trung.
HTX Phước Thiện hỗ trợ cây giống mít ruột đỏ cho người dân trong và ngoài địa phương

“Mục tiêu của HTX là tiếp tục liên kết nông hộ, sản xuất tập trung theo quy trình hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để cho ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm phí đầu tư, tăng thu nhập. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh, ổn định đầu ra. Hiện, HTX đã liên kết với 150 hộ nông dân trồng trên 1.000 ha cây mít ruột đỏ. HTX đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên 3.000 ha chuyên canh để tạo vùng nông sản, đáp ứng nhu cầu nhà máy và hướng đến xuất khẩu”, anh Vị khẳng định.

Nói về mít ruột đỏ HTX Phước Thiện, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện là một trong những sản phẩm vừa được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh. Mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

“Hiện địa phương đang triển khai thực hiện “mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện”, HTX Phước Thiện là một trong 2 HTX được triển khai mô hình này. Theo đó, chủ thể tham gia sẽ được hỗ trợ xây dựng website thông tin thương mại, cung cấp thiết bị, phần mềm, dịch vụ tiện ích và các giải pháp tăng nhận diện thương hiệu; giúp hợp tác xã ứng dụng quản lý sản xuất bằng các thiết bị công nghệ thông tin; camera theo dõi sản xuất, kho bãi; xây dựng hệ thống IoT tự động trong chăm sóc vườn cây; tem mác, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Qua đó, giúp mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện tăng lợi thế hơn trong việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu, mở rộng thị trường. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên và hơn hết là địa phương sẽ có sản phẩm đặc trưng đích thực”, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tác giả: Trần Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,492
  • Hôm nay298,493
  • Tháng hiện tại1,647,621
  • Tổng lượt truy cập447,042,743
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây