(CTTĐTBP) - Sở Công Thương vừa ban hành Kế hoạch số 04/KH-SCT ngày 08/01/2024 về cải cách hành chính năm 2024.
Trong năm 2024, Sở Công Thương sẽ tập trung trọng tâm vào 06 nhiệm vụ cải cách hành chính sau: thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền số.
Cải cách thể chế
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành văn bản quy phạm phát luật hàng năm đúng thẩm quyền, có chất lượng và đảm bảo trình tự theo quy định của pháp luật. Thường xuyên thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; gắn kết công tác kiểm tra, rà soát với công tác theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời kiến nghị những văn bản không phù hợp với quy định của văn bản pháp luật cấp trên, tình hình thực tế của địa phương để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới.
Triển khai, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngành để công chức, viên chức biết và thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực và đạt hiệu quả. Bảo đảm công khai và tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật.
Cải cách thủ tục hành chính
Tiếp tục thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/08/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh về kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch 316/KH-UBND ngày 25/10/2022 của UBND tỉnh về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý, nhất là Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước; rà soát, đánh giá và kiến nghị loại bỏ TTHC không phát sinh hồ sơ trong 03 năm liên tiếp; kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính...
Cải cách tổ chức bộ máy
Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020, Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc theo hướng tăng cường tính minh bạch, công khai trong giải quyết công việc tại cơ quan đảm bảo mọi lĩnh vực công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở đều được công khai, giải quyết chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp theo quy định.
Cải cách chế độ công vụ
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 08/11/2023 về việc phê duyệt danh mục vị tri việc làm, khung năng lực và bản mô tả công việc cho từng vị trí việc làm của Sở Công Thương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất gắn với vị trí việc làm.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Chính phủ, quy định của tỉnh về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; lấy kết quả việc đánh giá, phân loại làm cơ sở cho việc đề xuất hình thức thi đua, khen thưởng và công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Cải cách tài chính công
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước; Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2015 của Chính phủ; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc sử dụng tài sản, kinh phí từ nguồn ngân sách; thực hiện dân chủ, công khai minh bạch về tài chính công; thực hành chi tiêu nội bộ tại cơ quan đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền số
Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, dịnh danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024 của ngành công thương. Đảm bảo mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành công thương phục vụ triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Tích cực triển khai có hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh như: Phần mềm họp không giấy Ecabinet, hệ thống điều hành tác nghiệp, chữ ký số...