Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 17/05/2022 08:27
(CTTĐTBP) - Kế thừa Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 từng ngày được cụ thể, hiện thực hóa trong mọi hành động, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cũng bằng cách riêng, phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, Nhà giáo ưu tú Đỗ Thị Thúy Nghĩa, giáo viên Trường TH&THCS Tân Phước, huyện Đồng Phú và bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thúc Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đồng Xoài đang từng ngày cống hiến công sức, trí lực xây dựng quê hương.
ĐỂ MỖI THẦY, CÔ GIÁO LÀ TẤM GƯƠNG TỰ HỌC, SÁNG TẠO
Công tác trong ngành giáo dục năm thứ 26, 12 năm làm việc tại xã khó khăn, nhà giáo ưu tú Đỗ Thị Thúy Nghĩa (SN 1974), giáo viên Trường TH&THCS Tân Phước luôn là tấm gương sáng trong dạy và học. Với tinh thần không ngừng tự học và sáng tạo, cô luôn mang lại những bài học thú vị, hấp dẫn đến với học sinh, kể cả khi học trực tuyến. Cô Nghĩa chia sẻ: Năm học này, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, tôi và các đồng nghiệp phải dạy trực tuyến kéo dài. Tuy thế, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn. Từ trong thử thách, tôi liên tục tìm hiểu những cái mới, cập nhật các phần mềm công nghệ thông minh để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả. Những buổi học chưa khi nào đứt đoạn, học sinh theo kịp và nắm vững kiến thức.
Bằng sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng để nâng cao chất lượng dạy và học, cô Nghĩa đã có 14 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 8 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, cô Nghĩa còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Những kết quả ấy là quá trình cô không ngừng nghiên cứu các sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng vào dạy học. Nhiều sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong toàn ngành như: Một số biện pháp dạy học phân môn luyện từ và câu lớp 5 đạt hiệu quả; Phát triển tư duy tích cực cho học sinh lớp 5 qua các bài dạy về đặc điểm, diện tích hình hộp chữ nhật, hình lập phương; Hướng dẫn học sinh cách đổi đơn vị đo độ dài, diện tích, thể tích đạt hiệu quả; Giáo dục học sinh bằng kỷ luật tích cực nhằm nâng cao chất lượng, nền nếp lớp...
Thầy Nguyễn Văn Nam, Bí thư Chi bộ Trường TH&THCS Tân Phước khẳng định, cô Nghĩa là một trong nhiều tấm gương sáng về học và làm theo gương Bác của chi bộ. Và để có những tấm gương tiêu biểu tự học, sáng tạo như cô Nghĩa, Chi bộ trường thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo, bám nắm tình hình và triển khai các nhiệm vụ mới trong dạy và học cũng như công tác xã hội khác. Đồng thời chú trọng nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lan tỏa hành động đẹp, sáng tạo, nhân văn trong học sinh.
VẸN NGUYÊN LỜI DẠY “LƯƠNG Y PHẢI NHƯ TỪ MẪU”
Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, nhiều đồng nghiệp trong ngành y trên địa bàn Đồng Xoài đã lấy tấm gương bác sĩ Nguyễn Thị Thúc Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố để học tập và noi theo.
Được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến Đồng Xoài, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Thúc Anh không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những sáng kiến, giải pháp để nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Và sáng kiến "Nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19 trong bệnh viện" của bác sĩ Thúc Anh đã được Hội đồng sáng kiến TP. Đồng Xoài công nhận, áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả.
Một trong những kỷ niệm trong nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 mà bác sĩ Thúc Anh vẫn chưa quên, đó là ngày 1-1-2022, bệnh viện dã chiến tiếp nhận ca bệnh nữ 86 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2 bị phù phổi cấp. Nhận định tình hình khá nghiêm trọng của bệnh nhân, vừa lớn tuổi, bị biến chứng phù phổi lại có nhiều bệnh lý nền, bác sĩ Thúc Anh đã chỉ đạo xử lý chuyển tuyến hoặc xin ý kiến Bệnh viện đa khoa tỉnh, lãnh đạo thành phố cung cấp máy móc, vật tư để có hướng xử lý. Sau khi hội chẩn với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh, tư vấn hướng điều trị và đặt máy thở, trong vòng mấy tiếng đồng hồ thì bệnh nhân đáp ứng và qua khỏi. Hiện nay, nữ bệnh nhân ấy vẫn sống khỏe mạnh. Đó là một trong nhiều trường hợp cận kề cửa tử đã được cứu sống bằng sự tinh thông nghề nghiệp, trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm của những người thầy thuốc.
Ngoài nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo, bác sĩ Thúc Anh đã cùng đồng nghiệp ở Khoa Y học cổ truyền nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp “Cấy chỉ điều trị y học cổ truyền”. Cấy chỉ cũng như châm cứu đều là phương pháp không dùng thuốc, dựa vào huyệt vị để trị bệnh. Với phương pháp cấy chỉ, đội ngũ y, bác sĩ sử dụng chỉ catgoute (chỉ tự tiêu - PV) đưa vào huyệt châm cứu. Chỉ sẽ tạo ra phản ứng với cơ thể tại vị trí huyệt được cấy, tạo ra kích thích giống như châm cứu. Ưu điểm của phương pháp cấy chỉ là tiết kiệm thời gian, công sức của bác sĩ cũng như của bệnh nhân và người nhà so với phương pháp châm cứu truyền thống. Sáng kiến của bác sĩ Thúc Anh và đồng nghiệp đã được áp dụng rộng rãi trên bệnh nhân điều trị theo phương pháp y học cổ truyền ở TP. Đồng Xoài.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh ở ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú chia sẻ: Tôi đã khám và điều trị bệnh ở Trung tâm Y tế TP. Đồng Xoài nhiều lần. Các bác sĩ rất tận tình, trách nhiệm cao. Đặc biệt, hiện nay tôi được áp dụng cấy chỉ điều trị bệnh thần kinh tọa. Tôi không phải đi hằng ngày để bấm huyệt châm cứu như trước, vừa không mất thời gian và cũng đỡ chi phí rất nhiều.
Nhiều năm công tác cùng bác sĩ Thúc Anh, chị Nguyễn Thị Ngoan, bác sĩ Khoa Khám bệnh chia sẻ: Bác sĩ Thúc Anh là một lãnh đạo, một người chị đi trước rất có tâm, có tầm. Chị luôn ân cần, nhiệt tình, chu đáo với đồng nghiệp và bệnh nhân. Lúc nào bác sĩ Thúc Anh cũng động viên chúng tôi “là bác sĩ phải coi bệnh nhân như người nhà” để làm động lực phấn đấu và cống hiến. Ở bác sĩ Thúc Anh có nhiều phẩm chất mà chúng tôi cần học tập, noi theo./.