Rà soát, bãi bỏ ngay những TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm qua

Thứ ba - 17/10/2023 07:58
(CTTĐTBP) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ ngay những thủ tục hành chính (TTHC) không phát sinh hồ sơ trong 3 năm qua để "làm sạch" cơ sở dữ liệu về TTHC và để tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm khác về cải cách TTHC.
 
01 16974402572421002114378
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ ngay những TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm qua để "làm sạch" cơ sở dữ liệu về TTHC - Ảnh: VGP

Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp thứ 2 của Tổ công tác về cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra sáng 16/10.

Phó Thủ tướng quán triệt nguyên tắc khi rà soát, xây dựng quy trình, thủ tục mới phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp – vốn là trung tâm của nỗ lực cải cách TTHC – nhằm tránh phát sinh những quy trình, thủ tục chưa hoàn chỉnh, khó áp dụng trong thực tiễn, không đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và khi phải sửa đổi thì tốn nhiều thời gian, công sức.

Đặc biệt, nếu phải xin ý kiến trong quá trình xử lý các TTHC trên môi trường điện tử, cần thực hiện việc xin ý kiến trực tuyến, hướng tới chấm dứt việc xin ý kiến bằng văn bản như hiện nay – một quy trình mà theo Phó Thủ tướng là làm mất nhiều thời gian, dễ gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trường hợp phải cập nhật dữ liệu trên nhiều hệ thống, cần bảo đảm các hệ thống của các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu phải được kết nối, liên thông và chia sẻ được với nhau; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến và tỉ lệ cơ sở dữ liệu có thể tái sử dụng (hiện mới chỉ đạt 3%).

Các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao vai trò của người đứng đầu bởi chỉ ở đâu người đứng đầu quan tâm đến công tác cải cách TTHC thì ở nơi đó mới có kết quả tốt, tích cực và ngược lại, không thể có "đáp số khác", Phó Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ công tác, nhấn mạnh.

Trong điều kiện riêng của mình, mỗi bộ, ngành, địa phương cần có sự linh hoạt khi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ cải cách TTHC vì thời gian và nguồn lực có hạn, không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc được.

Để giải quyết ngay tình trạng thiếu nhân lực thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện điều động, biệt phái cán bộ có đạo đức, trách nhiệm, đủ năng lực để triển khai, trên nguyên tắc không làm phát sinh thêm biên chế.

Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa nhỏ về sự cần thiết phải quy trách nhiệm của cán bộ và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, đồng thời nêu rõ vấn đề này đã được chỉ ra trong Nghị quyết của Đảng và sẽ từng bước được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06, nhấn mạnh đây là tài nguyên vô cùng quý giá cần được kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cải cách TTHC là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…

Đây là nhiệm vụ khó khăn vì phải thay đổi thói quen và không phải sự minh bạch lúc nào cũng được ủng hộ, nhưng không có cách nào khác là phải cố gắng thay đổi để vượt khó, trước hết là thay đổi trong cách tiếp cận, cách ứng xử, Phó Thủ tướng chia sẻ quan điểm.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động báo cáo với Tổ công tác những bất cập trong quá trình triển khai để kịp thời có định hướng xử lý, tháo gỡ.

 

02 1697440257312734716623
Phiên họp thứ 2 của Tổ công tác về cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ diễn ra sáng 16/10 - Ảnh: VGP

Đối với cơ sở dữ liệu về đất đai và cơ sở dữ liệu về người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về nguyên tắc phải xây dựng hai cơ sở dữ liệu tập trung thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị mới về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ của từng bộ, ngành, và địa phương.

Theo Báo cáo của Tổ công tác, 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, 67/76 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC đang có hiệu lực, chiếm 88,2%; 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó 37/76 cơ quan, đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo hướng dẫn.

Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có sự cải thiện rõ rệt, trong đó 9 tháng đầu năm, tỉ lệ số hóa hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 24,48%, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022; của các địa phương đạt 38,94%, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.

So với cùng kỳ năm 2022, tỉ lệ chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử ở cấp bộ đạt 81,39%, tăng 29,7%; địa phương đạt 70,24%, tăng 31,4%.

Tất cả các địa phương đã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử.

Về kết quả thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao Chính phủ thành lập Tổ công tác về cải cách TTHC, tuy mới thành lập nhưng đã hoạt động tích cực để khơi thông những "điểm nghẽn" về TTHC.

Các hiệp hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành một chỉ thị mới của Thủ tướng, trong đó tập trung thu hẹp khoảng cách về sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động đầu tư công; thành lập các tổ công tác để làm việc với từng hiệp hội doanh nghiệp nhằm tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc; thành lập các nhóm nghiên cứu về những lĩnh vực mới để có thể chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài./.
 

Link:https://baochinhphu.vn/ra-soat-bai-bo-ngay-nhung-tthc-khong-phat-sinh-ho-so-trong-3-nam-qua-102231016141335612.htm

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,967
  • Hôm nay684,889
  • Tháng hiện tại17,636,193
  • Tổng lượt truy cập477,528,880
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây