Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ ba - 21/05/2024 08:41
(CTTĐTBP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Nghị định này áp dụng với đối tượng là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán.
 
Nghị định giải thích rõ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
 
Nghị định quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật liên quan. Chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.


Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
 

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Nghị định này hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán theo quy định của pháp luật và được quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán phù hợp với các quy định pháp luật liên quan. Khách hàng sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán theo quy định và hướng dẫn của các tổ chức cung ứng dịch vụ. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp nhận thanh toán nhằm phát hiện và giải quyết hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động thanh toán theo quy định của pháp luật.
 

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có biện pháp quản trị rủi ro, phòng chống việc sử dụng, lợi dụng việc cung ứng phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, thực hiện giao dịch thanh toán khống (giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà không phát sinh việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ) hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ và chứng từ theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi thực hiện thanh toán ngoại tệ và thanh toán quốc tế quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 5 Nghị định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải áp dụng các biện pháp xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ liên quan đến các giao dịch thực tế để đảm bảo việc thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật./.

Tác giả: Thanh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,465
  • Hôm nay58,939
  • Tháng hiện tại9,883,201
  • Tổng lượt truy cập455,278,323
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây