Cụ thể là việc kinh doanh vận tải bằng xe taxi phải tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe taxi trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Thực hiện niêm yết thông tin hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong xe có bảng giá cước tính tiền theo ki-lô-mét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT. Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT.
Đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT. Trong xe phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn.
Điểm dừng đón, trả khách công cộng cho xe taxi phải đảm bảo an toàn giao thông và được báo hiệu bằng biển báo, vạch sơn kẻ đường theo quy định về tổ chức giao thông. Điểm đỗ xe taxi phải đảm bảo trật tự, an toàn và không gây ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu về phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có trách nhiệm xây dựng quy định đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
Người lái xe taxi có trách nhiệm đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng quy định của đơn vị kinh doanh vận tải; thu tiền cước của hành khách khi kết thúc hành trình theo đồng hồ tính tiền hoặc theo thông báo trên phần mềm hoặc theo thỏa thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải; giữ gìn vệ sinh phương tiện.
Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025./.