Đối tượng áp dụng Quy định này là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cơ quan, tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Trong đó, tại Điều 4 của Quy định, công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh được quy định chung như sau:
Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được xét khen thưởng ở mức cao hơn.
Khi khen thưởng hoặc xét trình cấp trên khen thưởng công trạng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.
Không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để nâng mức khen lần sau. Không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được.
Chỉ lấy kết quả khen thưởng công trạng (tổng kết công tác năm) của cơ quan, đơn vị, địa phương làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng. Kết quả khen thưởng thành tích đột xuất, thi đua theo chuyên đề được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng.
Không khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; công tác tổ chức, tuyên truyền, bảo vệ (đại hội, lễ hội, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội thao, hội diễn, hội thi).
Chỉ khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh theo chuyên đề đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Chủ tịch UBND tỉnh phát động khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua của tỉnh hoặc tổng kết phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị, địa phương phát động từ 03 năm trở lên (có gửi kế hoạch phát động phong trào thi đua về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và được giao chỉ tiêu khen thưởng).
Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và khen thưởng việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch hoặc chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Trong một năm, tập thể, cá nhân tham gia nhiều phong trào thi đua theo đợt (chuyên đề) hoặc thực hiện nhiều nhiệm vụ theo kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì cũng chỉ được xét tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh một lần.
Trong một năm, mỗi tập thể, cá nhân được xét đề nghị khen thưởng công trạng (tổng kết công tác năm) một lần đối với một trong các hình thức: giấy khen; bằng khen (của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc của Thủ tướng Chính phủ); huân chương. Các tập thể, cá nhân đã được khen thưởng cấp Nhà nước (khen thưởng công trạng) thì năm đề nghị khen thưởng và năm liền kề không xét đề nghị Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng của tập thể, cá nhân hằng năm là cơ sở để xét khen thưởng.
Đối với các chuyên án của Công an tỉnh, chỉ thực hiện việc khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất.
Khi xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp phải họp và bỏ phiếu kín theo quy định tại khoản 7 Điều 30 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP.
Tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc kê khai báo cáo thành tích đề nghị các cấp xét khen thưởng.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trước khi trình cấp trên khen thưởng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2024./.