Quy định, mức xử phạt về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

Thứ năm - 28/11/2024 16:13
(CTTĐTBP) - Cục Thuế Bình Phước vừa có văn bản đề nghị các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn hiểu rõ quy định về hóa đơn, mức xử phạt khi không thực hiện xuất hóa đơn xăng dầu để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Quy định xuất hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế

Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Trường hợp người bán có sử dụng máy tính tiền thì người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế.

Việc cấp mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn”.

Tại Điểm i, Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Quy định về hóa đơn điện tử

Tại khoản 2 điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:

HĐĐT có mã của cơ quan thuế là HĐĐT được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên HĐĐT bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

HĐĐT không có mã của cơ quan thuế là HĐĐT do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế”.

Các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, việc xuất HĐĐT đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh thì hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua), việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng HĐĐT đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc đơn vị khi bán xăng dầu cho khách hàng phải thực hiện lập hoá đơn khi kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán cho khách hàng.

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cụ thể như sau: 

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn) và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn. Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định ở trên.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định ở trên. Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo. Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế. Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo. Lập HĐĐT khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng HĐĐT có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế. Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh. Lập HĐĐT từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định ở trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người mua có yêu cầu./.

Tác giả: Thanh Tuyền, Sỹ Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay561,093
  • Tháng hiện tại12,691,052
  • Tổng lượt truy cập472,583,739
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây