Quy định biện pháp thi hành Luật thi đua, khen thưởng

Thứ hai - 26/02/2024 16:25
(CTTĐTBP) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 23/02/2024 quy định biện pháp thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Quy định chung về thi đua, khen thưởng

Đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc đột xuất thì người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền. Trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc lĩnh vực thuộc Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc phạm vi toàn quốc thì đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước theo tiêu chuẩn quy định.

Đối với tập thể không có tổ chức đảng, đoàn thể khi đề nghị khen thưởng trong Báo cáo thành tích phải thể hiện là tập thể không có tổ chức đảng, đoàn thể.

Người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua trong phạm vi Bộ, ban, ngành, tỉnh thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền. Bộ, ban, ngành không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho đối tượng không do Bộ, ban, ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.

Khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, ngoài việc khen thưởng theo thẩm quyền, Bộ, ban, ngành, tỉnh lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên); lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên).

Khi Bộ, ban, ngành, tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực... thì thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền, không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, trừ thành tích phục vụ hội nghị, diễn đàn quốc tế, khu vực phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

Việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”; Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...);

Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ (đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức) hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị mới (đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức) thực hiện. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ;

Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 06 tháng.

Hình thức tổ chức thi đua

Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau được chia theo khối thi đua, cụm thi đua. Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo cụm thi đua, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các cụm thi đua, khối thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo chuyên đề khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể. Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi Bộ, ban, ngành, tỉnh có thời gian từ 03 năm trở lên, cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ban, ngành, tỉnh gửi Kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để theo dõi, tổng hợp, đối chiếu khi thẩm định hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước.

Nội dung tổ chức phong trào thi đua

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm triển khai tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi quản lý theo một số nội dung sau: Tổ chức phong trào thi đua gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể, hộ gia đình.

Triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, hộ gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên; phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong phong trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác học tập và làm theo.

Đồng thời, tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu xuất sắc; khuyến khích khen thưởng cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, người yếu thế, khuyết tật; tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/4/2024./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,563
  • Hôm nay180,354
  • Tháng hiện tại9,627,094
  • Tổng lượt truy cập493,490,532
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây