Quy chế này áp dụng cho đối tượng là các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân; doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp
Quy chế này quy định cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản.
Khi nhận được ý kiến góp ý của các quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật
Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với Sở Tư pháp cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).
Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật toàn văn văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành trên Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước theo quy định tại Điều 150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật).
Doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp, các cá nhân có liên quan được tiếp cận, sử dụng miễn phí các thông tin đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước thì doanh nghiệp có quyền đề nghị các cơ quan có liên quan kịp thời cập nhật và cung cấp văn bản đó theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý
Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan lên Cổng thông tin điện tử tỉnh hoặc kết nối với Cổng thông tin điện tử tỉnh công khai các văn bản này theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hệ thống hóa, cập nhật dữ liệu về văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp trong áp dụng chung về pháp luật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Doanh nghiệp được khai thác và sử dụng miễn phí cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý theo quy định.
Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật, quyết định hành chính, hành vi hành chính và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp qua các hình thức văn bản giấy, thư điện tử, hội nghị, tọa đàm hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan, đơn vị, địa phương trả lời cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, phản ánh. Trường hợp kiến nghị, phản ánh phức tạp thì được kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không vượt quá 30 ngày làm việc. Nếu có lý do chính đáng để không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc cần lấy ý kiến phối hợp thì trong thời hạn 02 ngày làm việc phải chuyển kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc cơ quan phối hợp. Cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày làm việc.
Tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để báo cáo theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ định cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp khi các cơ quan, đơn vị, địa phương không thống nhất với nhau về thẩm quyền giải quyết. Làm đầu mối tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu./.