Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 07/10/2024 14:15
(CTTĐTBP) - Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đang là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện Hớn Quản. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn huyện còn chú trọng xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, góp phần đưa sản phẩm OCOP của huyện vươn xa hơn.
Hớn Quản vốn được biết đến với tiềm năng phát triển nông nghiệp, nơi đây sản sinh ra nhiều loại nông sản đặc trưng như cao su, điều, tiêu, cà phê. Nhận thức rõ tiềm năng và lợi thế của địa phương, huyện Hớn Quản đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm/9 đơn vị được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như hạt điều, cà phê, yến sào, tiêu hữu cơ, gạo, rượu S’Tiêng...
Từ những hạt điều thơm ngon...
Xuất phát từ mong muốn quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương và tạo thêm thu nhập, chị Trần Uyên Phương, chủ cơ sở sản xuất Đức Liêm ở xã An Khương đã mạnh dạn đầu tư, nâng tầm cho hạt điều Hớn Quản. Bằng kinh nghiệm và sự tìm tòi học hỏi, chị đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ điều như hạt điều rang muối, hạt điều nguyên vị, hạt điều tỏi ớt, kẹo hạt điều… được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy tiềm năng của thị trường cà phê, chị Phương tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê rang xay. Với phương châm “lấy chất lượng làm uy tín”, chị luôn chú trọng đến từng công đoạn sản xuất, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến quy trình rang xay, đóng gói.
"Chất lượng là điều đương nhiên xưởng nào cũng phải có... Nhưng để mà giữ chân khách hàng thì phải do cái uy tín của mình mình, nói sao thì là như vậy. Cái thứ hai là mình giao hàng tương đối nhanh. Thứ ba, là mình chịu trách nhiệm với khách hàng, chịu trách nhiệm tuyệt đối với khách hàng", chị Phương chia sẻ.
Sự nỗ lực của chị Phương đã được đền đáp xứng đáng khi 2 sản phẩm Hạt điều rang muối Đức Liêm và Chất Cà phê đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2022. Thành công của chị là tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ dám làm, góp phần nâng cao giá trị cho hạt điều Hớn Quản.
… Đến hương vị đặc trưng của rượu S’Tiêng
Là người con của làng nghề nấu rượu truyền thống Hải Hậu, Nam Định, anh Trần Ngọc Minh Hưng đến với Hớn Quản, Bình Phước và ấp ủ mong muốn kết hợp giữa bí quyết gia truyền với những bài thuốc dân gian của người S’Tiêng để tạo nên một sản phẩm rượu độc đáo.
"Xuất phát từ những bài thuốc dân gian của người đồng bào S’Tiêng rất giàu chất dinh dưỡng và chữa được bệnh đau nhức xương khớp, đau lưng… nên tôi mới nảy ra ý tưởng là mình kết hợp với những bài thuốc dân gian đó", anh Hưng cho biết.
Với kinh nghiệm được truyền dạy cùng sự sáng tạo không ngừng, anh Hưng đã cho ra đời sản phẩm rượu S’Tiêng mang hương vị đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng. Không chỉ chú trọng vào chất lượng, anh Hưng còn ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm rượu S’Tiêng của anh đã được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hưng cho biết: "Sắp tới thì cơ sở cũng phấn đấu để phát triển lên OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tôi cảm ơn huyện và các cơ quan của huyện đã tạo điều kiện cấp các loại giấy tờ về mặt pháp lý, để hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn".
Mở rộng cánh cửa đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Thời gian qua, chương trình OCOP đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Hớn Quản, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, đến nay số lượng sản phẩm và doanh nghiệp tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP vẫn còn ít so với tiềm năng.
Thời gian tới, huyện Hớn Quản sẽ tập trung thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP.
“Trong thời gian tới, về phía UBND huyện, chúng tôi sẽ dành sự quan tâm tuyệt đối, tối đa nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, các tổ hợp tác phát triển sản phẩm của mình và nâng cao cái chất lượng sản phẩm. Khi mà sản phẩm có rồi, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng được chuỗi liên kết, tạo sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, để từ đó đưa các sản phẩm OCOP của địa phương tiến đến thị trường trong huyện, tỉnh. Từ đó, người dân biết nhiều và sẽ đẩy mạnh giao dịch hàng hóa phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, cá nhân và góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương”.
Ông Nguyễn Vũ Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng, chương trình OCOP Hớn Quản sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao đời sống cho người dân./.