Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 13/11/2023 11:07
(CTTĐTBP) - Sáng 13/11/2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị - hội thảo trực tuyến với 44 điểm cầu trong cả nước xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh cùng lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn của sở và Bảo tàng tỉnh đã tham dự tại điểm cầu Bình Phước.
Bố cục dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều, tăng 3 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Nội dung cơ bản của dự thảo luật tập trung vào nội dung chính trong 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua, gồm: Chính sách về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương; Chính sách về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Mục đích xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành. Từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ: Các chính sách có tính chất kế thừa; các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương tham dự hội nghị - hội thảo đã tập trung làm rõ hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện ghi danh xếp hạng di sản văn hóa; quyền sở hữu, các quyền liên quan đến di sản văn hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương; cơ chế huy động các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đảm bảo các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi...
Những ý kiến, đóng góp tại hội thảo sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong từng điều, từng khoản của dự thảo luật./.