Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 06/09/2024 14:12
(CTTĐTBP) - Sáng 06/9/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Phước tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hút, tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội đối với những cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60%”. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái Thanh chủ trì tọa đàm. Tọa đàm được kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu huyện, thị xã trong toàn tỉnh.
Khó khăn trong tập hợp phụ nữ
Hội LHPN tỉnh gồm 11 huyện, thị, thành hội, 3 đơn vị trực thuộc và 2 tổ chức thành viên; 136 cơ sở hội và tương đương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hội đã phát triển mới 8.093 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 181.620 hội viên/326.797 phụ nữ (chiếm 55,57%). Cả tỉnh còn 41 cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội dưới 60%.
Về khó khăn, hạn chế trong việc tập hợp phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội, Hội LHPN huyện Bù Gia Mập cho rằng, đời sống của nhiều phụ nữ còn khó khăn, thu nhập thấp nên chưa mặn mà vào tổ chức hội, nhiều chị em chưa thấy được lợi ích khi tham gia. Bên cạnh đó, hình thức sinh hoạt của một số cơ sở hội chưa phong phú; nhóm phụ nữ đặc thù khó vận động như: phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ các tôn giáo, phụ nữ cao tuổi, khuyết tật...
Với đặc thù địa bàn phát triển mạnh về công nghiệp, lực lượng nữ công nhân, lao động nhập cư nhiều, Hội LHPN phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành chia sẻ, do tính chất công việc, đa số các nữ lao động nhập cư không có thời gian tham gia sinh hoạt trực tiếp cùng tổ chức hội. Do đó, việc thu hút, tập hợp phát triển hội viên tham gia vào tổ chức hội, phong trào phụ nữ địa phương gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên chưa cao là do việc cập nhật số liệu phụ nữ từ 18 tuổi trở lên ở cơ sở có sự biến động; một bộ phận phụ nữ trẻ ở các địa phương còn lo tập trung phát triển kinh tế, chưa thực sự quan tâm đến hoạt động hội; một số cán bộ hội kỹ năng tuyên truyền vận động còn yếu; một bộ phận phụ nữ thiếu thông tin về tổ chức hội...
Giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay
Chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp thu hút, tập hợp phát triển hội viên, Hội LHPN thành phố Đồng Xoài đã có nhiều cách thức khác nhau. Đối với nhóm phụ nữ nông thôn, hội lựa chọn nhóm phụ nữ yếu thế để hỗ trợ bằng các hoạt động thiết thực như: nâng cao nhận thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vay vốn, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ phương tiện sinh kế. Đối với nhóm nữ công nhân nhập cư thì thành lập tổ chức hội trong các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân lao động.
Bên cạnh đó, Đồng Xoài đã đa dạng các mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ theo lứa tuổi, ngành nghề, phát triển hội viên trong các hộ có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt hội, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội. Đặc biệt, Đồng Xoài còn tập trung phát triển và xây dựng đội ngũ hội viên danh dự là những nam giới có uy tín trong cộng đồng, có khả năng đóng góp ý tưởng nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội LHPN huyện Phú Riềng luôn bám sát, theo dõi tình hình hoạt động của từng cơ sở hội, cùng với hội LHPN các xã đồng hành, nắm bắt hoạt động tại các chi hội, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ để thu hút hội viên phụ nữ tham gia. Tổ chức hội từ huyện đến cơ sở đã thực hiện hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu”; thành lập 2 mô hình, câu lạc bộ phụ nữ đặc thù (“Mô hình tổ phụ nữ tôn giáo” trên địa bàn xã Phước Tân và “Câu lạc bộ hát then - đàn tính” của xã Long Bình); thành lập 1 Câu lạc bộ nữ doanh nhân, tiểu thương và phụ nữ khởi nghiệp huyện Phú Riềng.
Đổi mới nội dung, phương hoạt động, nâng cao chất lượng, xây dựng tổ chức hội vững mạnh cũng là một trong những giải pháp để thu hút chị em phụ nữ vào tổ chức hội. Theo kinh nghiệm của Hội LHPN huyện Lộc Ninh, các cấp hội đã mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, tổ chức các diễn đàn hội viên nhằm tháo gỡ khó khăn và định hướng hoạt động cho cơ sở. Triển khai các hoạt động về bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tham gia trực tiếp cùng chi hội, tổ phụ nữ đi tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia vào tổ chức hội; thực hiện các hoạt động trao phương tiện sinh kế, xây dựng “Mái ấm tình thương” cho hội viên, phụ nữ khó khăn; đẩy mạnh các trang mạng xã hội do tổ chức hội lập ra; chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đa dạng hóa các loại hình tập hợp hội viên phụ nữ, tập trung hướng mạnh các hoạt động về chi hội, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các cấp hội trong công tác vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phù hợp với đặc điểm từng cơ sở.
Những kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hay được chia sẻ tại buổi tọa đàm giúp các cơ sở hội nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên tham gia tổ chức hội. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh”, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ 100% cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội trên 60%./.