Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 30/11/2023 08:57
(CTTĐTBP) - Phát triển ở Việt Nam từ năm 1993, hiện mạng truyền sóng 2G đã lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, cũng như không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ viễn thông. Từ tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia.
Tại Bình Phước, các nhà mạng đang tích cực chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G, thúc đẩy các hoạt động của người dân lên môi trường số và đảm bảo cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn.
Đưa người dân lên môi trường số
Theo lộ trình, Bộ TT&TT đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9/2024. Lộ trình tắt sóng 2G được Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm, lên kế hoạch chi tiết, cụ thể với mục tiêu quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi có tính chất bước ngoặt này.
Các nhà mạng đang triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng. Viettel - nhà mạng chiếm thị phần viễn thông lớn cũng đang nỗ lực đưa toàn bộ khách hàng chuyển từ 2G lên 4G. Viettel Bình Phước hiện quản lý hơn 900 ngàn thuê bao di động đang hoạt động. Trong đó có hơn 80 ngàn thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G. Mục tiêu Viettel đặt ra đến cuối năm nay phải hoàn thành chuyển dịch 30 ngàn thuê bao.
Tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa vẫn còn một bộ phận khách hàng sử dụng các dòng điện thoại “cục gạch” và chủ yếu là người già, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ còn hạn chế, một số vùng còn “lõm” sóng điện thoại, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc. “Sau khi được nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi sim từ 2G sang 4G, tôi có thể sử dụng nhiều tiện ích trên điện thoại thông minh như chuyển tiền online, gọi điện thoại có hình ảnh với đường truyền ổn định hơn. Đặc biệt những nơi trước đây sóng yếu không thể gọi điện thoại thì nay đã ổn định” - chị Nguyễn Thị Trúc, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Giám đốc Chi nhánh Viettel huyện Lộc Ninh chia sẻ: Với khoảng 70% khách hàng đang sử dụng các dịch vụ của Viettel tại huyện Lộc Ninh, trong đó một bộ phận khách hàng là người già, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân đi làm xa đang sử dụng các thiết bị liên lạc 2G. Chúng tôi nỗ lực cùng với địa phương, các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân để hỗ trợ cài đặt, nâng sóng, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá máy cho khách hàng khi tham gia chương trình chuyển dịch từ 2G lên 4G.
Theo Bộ TT&TT, tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy người dân dùng điện thoại thông minh. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Cùng với giải pháp kỹ thuật và kinh tế, thì truyền thông rộng rãi tới người dùng cũng cần được triển khai để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G.
“Với 85.000 thuê bao, trong đó 75.000 thuê bao đã sử dụng 4G, chiếm khoảng 90%, thị xã Chơn Thành còn khoảng 10% thuê bao cần nâng từ 2G lên 4G. Viettel đã gửi tin nhắn thông báo, đồng thời tăng cường nhân viên tổng đài trực tiếp liên hệ với từng chủ thuê bao để tư vấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi thiết bị trước thời điểm tắt sóng” - anh Đỗ Minh Đại, Quản lý kênh bán hàng trực tiếp chi nhánh Viettel thị xã Chơn Thành chia sẻ.
Đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi số
Chuyển dịch thuê bao từ 2G lên 4G là nhiệm vụ xuyên suốt, chiến lược của Viettel Bình Phước sẽ triển khai trong năm 2024. Cùng với đó là phối hợp các tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số tùy đặc thù địa phương. Trong quá trình khách hàng chuyển dịch thuê bao từ 2G lên 4G, Viettel Bình Phước cũng có các chính sách hỗ trợ người dùng, trong đó tập trung hỗ trợ giảm giá máy 4G lên đến 40%, miễn phí data truy cập mạng 4G.
Viettel Bình Phước đã tổ chức chiến dịch 75 ngày đêm cao điểm chuyển dịch thuê bao từ 2G lên 4G. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, chiến lược của chi nhánh sẽ triển khai trong năm 2024. Viettel cũng liên tục mở rộng hạ tầng, mạng lưới để phục vụ khách hàng tốt hơn. Với trường hợp khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo, Viettel có các chương trình hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng. Trong đó, tập trung hỗ trợ giảm giá máy 4G lên đến 40%, miễn phí data truy cập mạng 4G...
Ông VŨ TUẤN DŨNG, Giám đốc Viettel Bình Phước
Hiện các doanh nghiệp viễn thông đã dần tắt sóng 2G. Từ năm 2021, nhà mạng VNPT đã thực hiện tắt gần 2.000 trạm 2G có số thuê bao và lưu lượng thấp. Viettel cũng đang chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G và đặt mục tiêu trong năm 2023 tiếp tục mở rộng vùng phủ 4G tương đương 2G, phủ được 99% dân số để sẵn sàng cho việc tắt 2G.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó còn 22 triệu vẫn dùng thiết bị chỉ kết nối 2G, chiếm 18,33%. Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ thuê bao 2G sẽ giảm xuống dưới 5%. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, từ đó tạo ra cuộc cách mạng thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhanh chóng và toàn diện.
Những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm công nghệ cao khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Hơn nữa, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G. Do đó, việc tắt sóng 2G trong thời gian sớm nhất là cấp thiết, bước đi quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số quốc gia./.