Một số giải pháp chỉ đạo sản xuất trồng trọt trong điều kiện dịch Covid-19

Thứ năm - 29/07/2021 17:26
(CTTĐTBP) - Xây dựng và cập nhật kế hoạch sản xuất cây trồng thích ứng với những diễn biến bất lợi của thời tiết, khí tượng, thủy văn; diễn biến thị trường; diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất trồng trọt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai nội dung trên tại Công văn số 4677/BNN-TT ngày 27/7/2021 về một số một số giải pháp chỉ đạo sản xuất trồng trọt trong điều kiện dịch Covid-19.
 
Cay lua
Thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn và nguồn nước, chất lượng nước phục vụ cho sản xuất
 
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch và nông sản bị ách tắc, ùn ứ, tiêu thụ khó khăn; giá bán giảm đối với một số mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, các tỉnh, thành phía Nam đang vào mùa mưa, bão, lũ là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trồng trọt.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động của mưa, bão, lũ đến sản xuất trồng trọt, Bộ đề nghị trong kế hoạch sản xuất của các địa phương, cần phải thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn và nguồn nước, chất lượng nước phục vụ cho sản xuất; diễn biến phát sinh, gây hại của dịch hại đối với cây trồng; tình trạng dịch Covid-19 và tác động của dịch bệnh đến thu hoạch, lưu thông hàng hóa nông sản của địa phương.

Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo kế hoạch, tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu thông, phân phối trong trường hợp địa phương bị giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng, thông tin dự tính, dự báo cần được cập nhật thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời tới người sản xuất.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kiên quyết xử lý theo các quy định pháp luật đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

ĐỐI VỚI CÂY LÚA
 
Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương một số giải pháp quan tâm chỉ đạo đối với cây lúa. Cụ thể như bố trí thời vụ, cơ cấu giống linh hoạt phù hợp theo nguồn nước, thời tiết khí hậu, đất đai của địa phương và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ở những diện tích trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày.

Khuyến cáo nông dân áp dụng các gói kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm; chỉ tiến hành phòng trừ dịch hại khi đến ngưỡng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

ĐỐI VỚI RAU MÀU

Các địa phương đánh giá hiện trạng sản xuất rau màu các loại, lập kế hoạch tiêu thụ trong tỉnh, khả năng cung ứng ngoài tỉnh, tổng hợp các kênh tiêu thụ, chủ động lập kế hoạch sản xuất và xây dựng phương án điều tiết tránh tình trạng thừa, thiếu rau, quả thực phẩm.

Xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ, liên vùng.

ĐỐI VỚI CÂY ĂN TRÁI
 
cay an trai
Tính toán, triển khai kế hoạch rải vụ cây ăn trái phù hợp với thị trường tiêu thụ
 
Địa phương cần dự báo được tình hình, nhu cầu, sản lượng thu hoạch hàng tháng, hàng quý và cả năm, xây dựng kế hoạch tiêu thụ kịp thời. Tính toán và triển khai kế hoạch rải vụ cây ăn trái phù hợp với thị trường tiêu thụ.  

Chủ động nguồn nhân lực để đảm bảo việc thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ trái cây đối với thị trường nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giống sạch bệnh, truy rõ nguồn gốc giống, có chứng nhận để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tiếp tục củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, hạn chế ảnh hưởng của lũ đối với vùng sản xuất cây ăn trái trên nền đất thấp.

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Rà soát, đánh giá hệ thống thu mua, tồn trữ, bảo quản… kịp thời điều tiết khi có diễn biến bất lợi của thị trường.

ĐỐI VỚI CÂY CÔNG NGHIỆP

Các địa phương tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Tích cực trữ nước, sử dụng tốt mọi nguồn nước có được (đào ao trữ nước, làm đập dâng, đập tạm giữ nước...) và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô./.

Tác giả: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,340
  • Hôm nay275,189
  • Tháng hiện tại9,721,929
  • Tổng lượt truy cập493,585,367
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây