(CTTĐTBP) - Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu huy động 35 - 40% trẻ dưới 36 tháng tuổi, 95-100% trẻ mẫu giáo được gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), đảm bảo huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp và được quản lý bảo đảm chất lượng.
Đó là một trong số những mục tiêu cụ thể mà UBND tỉnh đã đề ra trong Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15/3/2024 về triển khai xây dựng trường mầm non phục vụ các khu công nghiệp (KCN) năm học 2024 - 2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là từng bước phát triển, mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở địa bàn các KCN bằng hình thức đầu tư công, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân và người lao động. Nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện; bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) làm việc tại các KCN theo quy định. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, đầu tư, xây dựng hệ thống trường mầm non đủ chuẩn đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động, giúp công nhân và người dân yên tâm công tác từ đó nâng cao năng suất lao động, ổn định xã hội; đảm bảo công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi.
Về nhu cầu phát triển trường lớp trong năm học 2024-2025, thành lập và đưa vào hoạt động 04 trường; trong đó kêu gọi đầu tư 03 trường tại huyện Hớn Quản huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài và 01 trường công lập tại huyện Phú Riềng; đồng thời xây bổ sung phòng học và các phòng chức năng cho 03 trường công lập đang hoạt động trên địa bàn có KCN. Tổng số trẻ dự kiến 1.980 trẻ.
Giai đoạn 2026-2030, thành lập và đưa vào hoạt động 13 trường (trong đó kêu gọi đầu tư 08 trường tại thành phố Đồng Xoài, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú; xây mới 05 trường công lập: thành phố Đồng Xoài 03 trường, 02 trường tại huyện Đồng Phú); đồng thời xây bổ sung phòng học và các phòng chức năng cho 04 trường công lập đang hoạt động trên địa bàn có KCN. Tổng số trẻ dự kiến 6.450 trẻ.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau: (1) Hoàn thiện quy hoạch quỹ đất, mạng lưới trường lớp, tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường mầm non; (2) Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; (3) Công tác quản lý GDMN; (4) Công tác xã hội hóa giáo dục; (5) Công tác đào tạo, bồi dưỡng; (6) Đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong đó, thực hiện triển khai quy hoạch mạng lưới trường mầm non phục vụ các KCN theo hướng tập trung, đồng bộ, thuận tiện cho việc đưa đón trẻ. Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường mầm non phục vụ các KCN theo hướng hiện đại đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ em. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ ban hành Quy định chính sách phát triển GDMN; thực hiện tốt Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 02/7/2021 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập; trẻ em và giáo viên tại cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN và các chính sách khác.Tăng cường quản lý nhà nước về GDMN, nhất là đối với các trường, nhóm, lớp MN ngoài công lập trong việc hướng dẫn cấp phép hoạt động; thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có biện pháp hỗ trợ, hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý; có chế tài với cơ sở giáo dục không tuân thủ theo quy định.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa giáo dục trên cơ sở các văn bản của Đảng, nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để giúp cho các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù mang tính đột phá, dài hạn, ổn định và hấp dẫn nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở GDMN ngoài công lập. Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng, nhà nước.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương pháp GDMN theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ tại địa bàn các KCN. Đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Nội dung giáo dục cần được xây dựng dựa trên quan điểm giáo dục hiện đại, chú trọng phát triển toàn diện cho trẻ, bao gồm cả thể chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ MN, đặc biệt là trẻ con công nhân, những trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ hình thành và phát triển những kỹ năng cần thiết để sống và học tập hiệu quả. Lồng ghép nội dung giáo dục STEM/STAEM và các phương pháp giáo dục hiện đại, tích hợp nhiều môn học, giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm... Vận dụng các phương pháp giáo dục hiện đại cho trẻ con công nhân cần chú trọng những chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề trong thực tế./.