(CTTĐTBP) - Sáng nay 11/11, Bình Phước phối hợp Công ty Cổ phần FPT tổ chức hội nghị nâng cao nhận thức chuyển đổi số và lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Phước với Công ty Cổ phần FPT.
Hội nghị và lễ ký kết được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm (Tỉnh ủy, UBND tỉnh) đến điểm cầu Công ty Cổ phần FPT và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh
Đừng bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”
Tại hội nghị nâng cao nhận thức chuyển đổi số, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình đã có diễn văn tham luận với chủ đề: “Chiến tranh nhân dân, chuyển đổi số và cuộc chiến chống Covid-19”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình chia sẻ: Chúng ta làm chuyển đổi số là chúng ta làm vì đất nước, vì tương lai của con em chúng ta… Chúng ta phải bắt đầu chuyển đổi số để tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Đối với cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta có thể chế ngự nó, giảm ca F0, khống chế không cho Covid-19 quay trở lại, làm cho kinh tế tăng trưởng trở lại, mở rộng “vùng xanh” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội… Muốn vậy, phải áp dụng chiến lược “chiến tranh nhân dân” và đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng chống dịch của tất cả người dân trong cả nước. Trong đó, công nghệ là vũ khí sống còn trong cuộc chiến này.
Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực, chung tay và mỗi doanh nghiệp phải trở thành một “pháo đài xanh”. Muốn vậy, phải tiêm vắc xin 100%; mỗi cán bộ, nhân viên doanh nghiệp phải là một “chiến sĩ chống Covid”; doanh nghiệp phải có giải pháp chống Covid xâm nhập “vùng an toàn”; có nhiều “khoang xanh” để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn và phải có “kế hoạch bảo vệ sức khoẻ” cho cán bộ, nhân viên mình.
Kết thúc bài tham luận chia sẻ, ông Trương Gia Bình mong muốn rằng tất cả chúng ta phải tranh thủ chuyển đổi số, hiểu về chuyển đổi số, bắt đầu ngay “trải nghiệm số”, không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”… Có như vậy, đất nước chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ và chiến thắng Covid-19; hướng tới một tương lai phát triển, xứng đáng với dân tộc, với niềm kỳ vọng của Bác Hồ.
Khuyến khích sự đổi mới, tăng cường kỹ năng số
Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường có bài phát biểu: “Chuyển đổi số của Bình Phước: Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, chúng ta cũng sẽ phải sẵn sàng cho việc tạo ra môi trường khuyến khích sự thử nghiệm. Trong thời kỳ chuyển đổi số, các tổ chức sẽ phải thay đổi phương thức làm việc, học tập, lao động sản xuất và tái cấu trúc năng lực của nhân sự để tương thích với những kỹ năng số, cũng như thử nghiệm phương thức mới để hoạt động một cách hiệu quả nhất. Do đó, các nhà lãnh đạo cần khuyến khích thử nghiệm, sẵn sàng làm gương và thay đổi trong toàn bộ tổ chức. Với vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo còn là người truyền cảm hứng và xây dựng văn hóa chuyển đổi số trong tổ chức.
Quan điểm chuyển đổi số của Bình Phước
Về giải pháp cho chính sách chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tất cả hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan trong chỉ đạo thực hiện số hóa tại cơ quan, địa phương mình; lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hàng năm.
Cùng với đó, xây dựng chính sách đầu tư, thu hút, bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp tăng cường kỹ năng sử dụng các ứng dụng số cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Tháo gỡ những lực cản “ngại thay đổi” về thói quen, hành vi của người dân trên môi trường số như: Rà soát thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tuyên truyền, phổ biến cho người dân về kỹ năng số, các ứng dụng, tiện ích số; hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, thực hiện các giao dịch thanh toán nghĩa vụ thuế, tiền điện, nước, viễn thông... trên môi trường điện tử; về hỗ trợ nông dân mua bán, giao dịch trên môi trường số, trên các sàn thương mại điện tử.
Phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung
Tại lễ ký kết, UBND tỉnh Bình Phước và Công ty Cổ phần FPT đã thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều nội dung quan trọng về chuyển đổi số.
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình trao đổi nội dung hợp tác từ điểm cầu Hà Nội
Hai bên phối hợp triển khai thực hiện các nội dung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 phù hợp với khả năng của tỉnh Bình Phước và thế mạnh của Công ty Cổ phần FPT. Thống nhất triển khai các nội dung để phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung của tỉnh; hỗ trợ tỉnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực công nghệ, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp CNTT (sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, gia công phần mềm, lắp ráp thiết bị CNTT, phát triển sản phẩm IoT, A.I…).
Nghiên cứu hợp tác đầu tư Tổ hợp giáo dục công nghệ, bao gồm: Trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông và Trung tâm sản xuất phần mềm tại tỉnh. Hợp tác trong việc xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo cho các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt đội ngũ chuyên trách về CNTT) trong hệ thống chính trị tỉnh, các doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số.
Đại diện cho hai bên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác
Hai bên cũng thống nhất nghiên cứu triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Phước. Tổ chức chương trình giúp doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm của Bình Phước ra toàn quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử. Triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trong việc tư vấn chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số.
Phối hợp tổ chức nghiên cứu các bộ chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index); chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... để tìm ra những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh Bình Phước; hỗ trợ tỉnh định kỳ đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số theo các tiêu chí tuân thủ các bộ chỉ số nói trên.
Tổ chức truyền thông các sự kiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp và người dân; tổ chức hội nghị, hội thảo, về chuyển đổi số bao gồm các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh để kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương, đồng thời thông tin các hoạt động của Bình Phước, nhất là hoạt động chuyển đổi số trên báo điện tử VnExpress.
Phối hợp với hệ thống Đoàn Thanh niên để tập huấn, chuyển giao kiến thức chuyển đổi số cho thanh niên; triển khai các chương trình thi đua đổi mới, sáng tạo để đưa các ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn, tới từng doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh./.