(CTTĐTBP) - Lễ hội phá bàu là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng ở xã An Khương, huyện Hớn Quản. Lễ hội được tổ chức vào đầu tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi đó lượng nước ở các bàu đã bắt đầu cạn dần, thuận lợi cho việc đánh bắt cá.
Theo quan niệm của người S’Tiêng, bàu là một nơi linh thiêng. Việc phá bàu là để mở cửa cho thần linh ban phúc lành cho người dân của ấp, sóc.
Người dân tham gia hoạt động phá bàu, bắt cá
Để mở đầu cho buổi lễ hội, các vị già làng, người có uy tín của ấp, sóc sẽ thực hiện nghi thức cúng thần linh, cầu mong phù hộ cho mùa màng bội thu, dân làng no ấm, hạnh phúc. Sau đó, mới tới phần người dân cùng nhau phá bàu, bắt cá.
Khi bàu đã được phá, tất cả mọi người sẽ cùng nhau vào bắt cá. Cá bắt được sẽ chế biến thành các món ăn dân dã. Ngoài hoạt động chính là bắt cá, ban tổ chức còn tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân cùng tham gia như bịt mắt bắt vịt, cướp cờ, đập heo đất...
Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân tham gia lễ hội
Lễ hội phá bàu được UBND xã An Khương duy trì và tổ chức hằng năm cho người dân, nhằm tạo sân chơi vui tươi và bảo tồn Lễ hội truyền thống của người S’tiêng. Những năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu cũng như dịch Covid-19 nên Lễ hội phá bàu bị gián đoạn.
Lễ hội phá bàu ở An Khương, huyện Hớn Quản là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước, là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Lễ hội không chỉ là một nghi thức cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mà còn là dịp để cộng đồng dân làng giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Phước đến với du khách trong và ngoài nước./.