Ký ức của người lính bộ đội Cụ Hồ tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4

Chủ nhật - 30/04/2023 10:15 2867
(CTTĐTBP) - “Dù 48 năm trôi qua, song những ngày tháng cùng đồng đội tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập luôn mãi hiện về trong ký ức tôi như mới hôm qua. Sung sướng lắm, tự hào lắm! Với tôi, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng dân tộc Việt Nam chỉ có một và tình yêu dân tộc không bao giờ vơi”.

 

Đó là tâm sự của Trung tá Mai Văn Huề, cựu chiến binh Sư đoàn 341, sinh năm 1955, ở thôn Quảng Cư, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong những chiến sĩ ngồi trên chiếc xe tăng tiến vào giải phóng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Quyết chiến quyết thắng

Trong một lần về quê, tình cờ ngồi trò chuyện, tôi mới biết được câu chuyện đầy tự hào của cựu chiến binh, Trung tá Mai Văn Huề ở Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 năm xưa với những kỷ niệm, hồi ức không thể nào quên.

Trong ký ức của Trung tá Mai Văn Huề, tất cả các trận đánh, những chiến công, những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 vẫn còn nguyên vẹn. Ông kể: Năm 1974, tôi được gọi nhập ngũ, khi đó mới 21 tuổi, được biên chế vào Sư đoàn 341 tham gia giải phóng miền Nam.

Tháng 2-1975, tôi tạm biệt hậu phương “đất lửa” Quảng Bình cùng trung đoàn hành quân Nam tiến sục sôi khí thế với khẩu hiệu: “Trung thành vô hạn - Đoàn kết nhất trí - Quyết chiến quyết thắng”. Chúng tôi được cấp trên quán triệt và căn dặn: “Các đồng chí đi đợt này là đi lâu, đi sâu, đi xa, đi tới ngày toàn thắng”, nghĩa là chúng tôi xác định đi không có ngày về. “Biết là thế nhưng khi đó, chúng tôi nghe tin thế và lực của ta đã có bước phát triển nhảy vọt. Sau những trận đánh trinh sát chiến lược: Nông Sơn - Thượng Đức, Phước Long... Mỹ - ngụy không dám phản ứng gì, vì thế tinh thần giải phóng miền Nam sôi sục, khí thế lắm! Chúng tôi chẳng sợ hy sinh” - ông kể. Sau hơn 1 tháng hành quân từ Quảng Bình, chúng tôi đã qua Sê Bôn, Lào đến ngã ba Đông Dương, qua Bù Đốp, Bù Đăng, Phước Long, Chơn Thành, đến Bến Cát, Bình Dương thì dừng dân để chuẩn bị đánh trận Đường 13, Chơn Thành, Bàu Bàng.

Tiếp cận Dinh Độc Lập

Trung đoàn 273 được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị của Sư đoàn 341 tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc, Tây Bắc Sài Gòn do các đơn vị thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn như Sư đoàn 5, 18, 25 chốt giữ. Trên hướng Đường 13, Trung đoàn 273 đánh trận đầu tiên tấn công giải phóng quận lỵ Chơn Thành; ngày 31-3 tiến công toàn diện tiêu diệt địch ở chi khu Chơn Thành, cùng với đơn vị bạn phá tan tuyến phòng ngự phía Bắc, bảo vệ tuyến hành lang Đông Tây.

5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, Sư đoàn 341 đã phối hợp với lực lượng địa phương nổ súng tấn công thị xã Xuân Lộc từ hướng Bắc - Đông Bắc. 

Sau 12 ngày đêm (từ 9 đến 21-4-1975) chiến đấu quyết liệt, tranh chấp từng căn nhà, góc phố, địch phản kích điên cuồng, còn ta quyết đánh đến cùng. Sư đoàn 341 phối hợp cùng một số đơn vị khác đã giải phóng thị xã Xuân Lộc. Sau khi thị xã Xuân Lộc được giải phóng, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn chạy ra nước ngoài.
 

942cd6b7a8ca77942edb 19522529042023
Chiến sĩ Mai Văn Huề (người thứ 3 hàng đầu bên trái ngồi trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, bức ảnh do phóng viên Pháp chụp gửi Bộ Quốc phòng Việt Nam)

Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn - Gia Định. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Lúc này, Trung đoàn 273 trong đội hình Sư đoàn 341 tiến quân trên hướng Đông Bắc Sài Gòn đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nhiệm vụ quân quản. Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị được lệnh nổ những phát súng đầu tiên vào Chi khu Trảng Bom, Biên Hòa mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi đánh vào Trảng Bom thì quân ta bị phục kích. Sau nhiều trận chiến đấu dữ dội diễn ra tại mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự của đối phương, tôi và đồng đội phải nằm lại một ngày, một đêm trên một vườn mía tại Trảng Bom. Cuối cùng, quân ta đã giải phóng hoàn toàn Chi khu Trảng Bom.

Trên đà thắng lợi, Sư đoàn 341 và các đơn vị tiến đánh, giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. Sáng 30-4, nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiến thẳng vào Sài Gòn, tiếp cận Dinh Độc Lập, chỉ sau các đơn vị của Quân đoàn 2 đến trước đó hơn 1 giờ.

Những phút giây không bao giờ quên

Trung tá Mai Văn Huề bồi hồi nhớ lại: “Sau một hành trình chiến đấu liên tục 21 ngày đêm không nghỉ, kể từ trận mở màn đánh vào thị xã Xuân Lộc (9-4), khi vào đến Dinh Độc Lập và chứng kiến lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh, tôi vẫn chưa tin đó là sự thật. Đi đến đâu, cờ Giải phóng lập tức treo lên ở đó. Hàng ngàn lá cờ Giải phóng dường như đã được nhân dân thành phố chuẩn bị từ trước đó tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào. Khí thế đó tạo nên sức mạnh, cổ vũ rất lớn đối với những người lính bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi tự hào, xúc động lắm! Anh em ai nấy đều khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Chúng tôi thật sự may mắn hơn nhiều đồng đội khi được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc”.

74f86627c25e1d00444f 19524029042023
Cựu chiến binh, Trung tá Mai Văn Huề (bên phải) đang kể về những chiến công, dấu ấn lịch sử của Trung đoàn 273 được ông ghi chép cẩn thận vào cuốn nhật ký

Gạt những giọt nước mắt tự hào sung sướng, giọng Trung tá Mai Văn Huề chùng lại: “Tôi còn nhớ như in bữa cơm đầu tiên trong Dinh Độc Lập trong ngày giải phóng. Lúc đó, giữa khung cảnh bình yên mà phải rất lâu rồi mới chứng kiến, chuẩn bị cầm chén cơm, mọi người nhìn nhau rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nghĩ đến những đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Đến bây giờ, mỗi dịp 30-4, khi ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, tôi vẫn không nguôi thương nhớ đồng đội. Vì Tổ quốc, họ đã hy sinh để miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, phát triển như ngày hôm nay”.

Niềm vui thống nhất chưa được bao lâu, tháng 10-1977, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 273 trong đội hình Sư đoàn 341 anh hùng lại “xốc lại chiến bào” lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo, xây dựng chính quyền cách mạng. Ông nghẹn ngào: “Đồng đội tôi hy sinh nhiều. Năm 1981, tôi may mắn được trở về”. Sau đó, Sư đoàn 341 được điều động ra miền Bắc, Trung tá Mai Văn Huề tiếp tục công tác tại đơn vị cho đến khi nghỉ hưu./.

Tác giả bài viết: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,074
  • Hôm nay891,392
  • Tháng hiện tại12,410,213
  • Tổng lượt truy cập385,530,550
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây