Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 18/05/2022 07:43
(CTTĐTBP) - Những năm qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Bình Phước đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp… tạo ra nhiều công nghệ mới mang tính đột phá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì KH&CN được xem là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh trong chuyển đổi số hiện nay. Đây cũng là định hướng phù hợp với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” Ngày KH&CN Việt Nam (18-5) năm 2022.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN
Từ ngày tái lập tỉnh, ngành KH&CN Bình Phước đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học. Các chương trình, đề tài, dự án KH&CN ngày càng gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. Đến nay, đã có 321 đề tài, dự án các cấp. Trong đó 263 đề tài được nghiệm thu đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống, phần lớn đều phát huy hiệu quả. Tổng kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ năm 1997 đến nay gần 117 tỷ đồng.
Riêng năm 2021, Sở KH&CN phối hợp với các viện, trường, sở, ngành, các đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện 21 đề tài KH&CN cấp tỉnh chuyển tiếp, trong đó đã nghiệm thu 5 đề tài. Các đề tài đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng tiến bộ KH&CN; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hướng đến hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có năng suất, chất lượng cao, theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ, sinh học… Đồng thời, kết hợp với các nhà khoa học, các viện, trường cùng bàn và tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành nông nghiệp, như trị bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm; đánh giá các dòng điều triển vọng; xây dựng mô hình vườn điều kiểu mẫu thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng năng suất; tập trung các biện pháp kỹ thuật đưa năng suất điều đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên; nghiên cứu, lai tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh…
Việc áp dụng công nghệ mới trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao cũng được ngành KH&CN khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp áp dụng. Trên cơ sở chuyển đổi số, tỉnh đang quy hoạch, thu hút đầu tư cho 8.000 ha trong các khu công nghệ cao. Từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40 đến 50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Bình Phước đang tiếp tục triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Từ năm 1997 đến nay, Sở KH&CN đã làm đầu mối tiếp nhận và chuyển đến Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN 874 đơn đăng ký bảo hộ của các cá nhân, tập thể trên địa bàn Bình Phước. Kết quả, có 426 văn bằng, giấy chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, trong đó nhiều nhất là nhãn hiệu tập thể với 400 văn bằng, giấy chứng nhận, số còn lại là văn bằng sáng chế hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Tiêu biểu là giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Cao su Bình Phước, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long”, văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”… Hiện toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận, cạnh tranh thị trường khó tính trên thị trường thế giới, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN nhấn mạnh: “Quyền sở hữu trí tuệ được coi như một tài sản của doanh nghiệp. Do vậy, việc quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thương trường”.
Đổi mới sáng tạo và hành động
Xác định chủ trương đổi mới công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó KH&CN tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất nhằm thích ứng với thị trường và phát triển bền vững. Đây cũng được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Sở cũng đã hỗ trợ thành lập 6 doanh nghiệp KH&CN và thực hiện 5 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH&CN hỗ trợ, đầu tư.
Việc ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh, giúp thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Trong những năm đầu tái lập tỉnh, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chưa đạt 1.000 tỷ đồng, thì nay đã vươn lên đạt gần 30 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với 25 năm về trước.
Các hoạt động về phát huy phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được ngành KH&CN tỉnh chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức thành công 14 cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; 6 hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Kết quả, có 861 sản phẩm, mô hình, giải pháp đoạt giải cấp tỉnh; 51 sản phẩm, mô hình, giải pháp đoạt giải cấp toàn quốc; 3 giải bạc triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế…
Đại dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả rất lớn về kinh tế - xã hội. Quá trình phục hồi kinh tế đang tạo ra thách thức to lớn, nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế với những hướng đi mới đột phá. Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, Bình Phước có thể tạo ra những đột phá trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nếu có một kế hoạch sáng tạo, thông minh, kết hợp hài hòa giữa nhân tố con người, điều kiện tự nhiên, KH&CN và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp số. Để đáp ứng yêu cầu trên, bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Ngành KH&CN phải xây dựng được chiến lược để phát triển KH&CN tỉnh Bình Phước với mục tiêu dài hạn và trung hạn. Trong chiến lược của ngành phải bám sát vào tầm nhìn chiến lược của tỉnh đã được xác lập đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050”./.