(CTTĐTBP) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản hướng dẫn về nội dung giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP để các doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn tỉnh biết, áp dụng thực hiện theo đúng quy định.
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIẢM THUẾ GTGT 2%
Theo Điều 1,
Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm thuế GTGT. Cụ thể như sau:
“1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất (chi tiết tại Phụ luc I ban hành kèm theo Nghị định này).
b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này).
c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin (chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này).
d) Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp và cộng đồng người nộp thuế trên địa bàn tỉnh có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì căn cứ loại hàng hóa, dịch vụ thực tế tại đơn vị, đối chiếu với quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP để áp dụng việc giảm thuế GTGT theo quy định. Các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10% và không thuộc loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì được giảm 2% thuế suất thuế GTGT xuống còn 8%.
LẬP HÓA ĐƠN ĐỂ ĐƯỢC ÁP DỤNG GIẢM 2% THUẾ GTGT
1. Phải lập hóa đơn riêng cho hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%:
Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% thì không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh khi lập hóa đơn mà người mua là người tiêu dùng yêu cầu không tách riêng hoá đơn cho hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% thì toàn bộ hàng hoá, dịch vụ ghi chung trên hoá đơn không được giảm 2% thuế GTGT và phải chịu với mức thuế suất cao nhất là 10%.
2. Thời điểm lập hóa đơn để được áp dụng giảm 2% thuế GTGT:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 16
Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định về ngày tháng năm lập hóa đơn như sau:
“a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với hoạt động cung cấp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình thực hiện chậm nhất không quá 7 ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình với người mua.
Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng".
Căn cứ khoản 1 và điểm a, b khoản 2, Điều 4
Thông tư 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử như sau:
“1. Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ được xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 của Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
2. Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với các trường hợp khác được hướng dẫn như sau:
a) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình, dịch vụ công nghệ thông tin được bán theo kỳ nhất định thực hiện chậm nhất không quá 7 ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình, dịch vụ công nghệ thông tin.
Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình, dịch vụ công nghệ thông tin với người mua.
b) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Căn cứ Điều 9
Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
“1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản này... được bán theo kỳ nhất định, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 7 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.
c) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
h) Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện thì thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện theo quy định của Bộ Công Thương hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn, phê duyệt nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện".
Căn cứ các quy định và hướng dẫn trên, doanh nghiệp và người nộp thuế có phát sinh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì căn cứ vào thời điểm lập hóa đơn để áp dụng thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định (ngày lập hoá đơn phải đúng theo quy định của pháp luật thuế và hoá đơn, đối với các trường hợp cố tình vi phạm kéo dài hoặc lùi ngày xuất hoá đơn về trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022 thì không được áp dụng giảm thuế GTGT 2% và bị xử lý theo quy định hiện hành).
Trường hợp thời điểm lập hóa đơn không thuộc trong khoảng thời gian được áp dụng giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP (từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022) thì không được áp dụng giảm thuế GTGT 2%.
Cục Thuế lưu ý, các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ được pháp luật thuế và hoá đơn quy định cho phép được lập hóa đơn sau ngày hoàn thành cung cấp hàng hóa, dịch vụ như ngành điện, ngành xây dựng... thì thời điểm lập hoá đơn được xác định theo quy định của pháp luật về thuế và hóa đơn./.