Căn cứ Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Căn cứ Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 23/8/2024 của UBND tỉnh Bình Phước về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Sở KH&CN hướng dẫn nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, thành phần hồ sơ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND như sau:
1. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên xem xét hỗ trợ cho các đối tượng sau:
- Chủ đầu tư, tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao có khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đã được cấp có thẩm quyền đánh giá, nghiệm thu.
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh, đặc thù của địa phương đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hoặc giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp tỉnh trở lên.
- Các tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và giống cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, có tên phù hợp, có khả năng mang lại năng suất, chất lượng cao và thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Chủ đầu tư, tác giả của sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và sản phẩm, dịch vụ khác đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi, có lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.
- Chủ đầu tư, tác giả của sáng kiến đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh hoặc toàn quốc.
- Tác giả của sản phẩm, giải pháp đoạt giải tại cuộc thi từ cấp tỉnh trở lên.
2. Cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Không áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
II. NỘI DUNG HỖ TRỢ
1. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ
1.1. Nội dung hỗ trợ theo quy định tại điểm c, d khoản 2 mục II Kế hoạch 262/KH-UBND:
- Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) quyết định về chấp nhận đơn hợp lệ.
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) quyết định về chấp nhận đơn hợp lệ.
- Đăng ký bảo hộ sáng chế: đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ.
- Đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới: đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo về việc chấp nhận đơn hợp lệ.
*Lưu ý: Quyết định và thông báo chấp nhận đơn hợp lệ của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ được xem xét hỗ trợ tính từ thời điểm Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu lực.
1.2. Mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND:
a) Đăng ký bảo hộ trong nước
- Đối với văn bằng bảo hộ nhãn hiệu: Không quá 08 triệu đồng/đơn.
- Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Không quá 12 triệu đồng/đơn.
- Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế: Không quá 24 triệu đồng/đơn.
- Đối với đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới: Không quá 24 triệu đồng/đơn.
b) Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng mới trước đó đã nộp đơn đăng ký bảo hộ ở trong nước.
Không quá 48 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.
1.3. Nguyên tắc hỗ trợ thực hiện theo Điều 2 Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND, với nội dung trọng tâm như sau:
- Mỗi tổ chức, cá nhân được chọn nhiều nội dung hỗ trợ.
- Mỗi nội dung hỗ trợ được hỗ trợ một lần.
- Nội dung hỗ trợ không trùng lặp với chương trình, dự án, nhiệm vụ khác.
Ngoài những nguyên tắc nêu trên, để sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ một cách hiệu quả, các tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ phải luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật nếu có. Thời gian tính từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, hoặc Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đến khi đề nghị hỗ trợ.
1.4. Thời gian, hình thức thanh toán
Thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa Sở KH&CN với tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ (sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1.5, mục 1, phần II Hướng dẫn này). Hợp dồng này quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
1.5. Thành phần hồ sơ
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND, yêu cầu tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải đảm bảo thành phần hồ sơ như sau:
- Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ (theo mẫu Phụ lục 1). Sở KH&CN có trách nhiệm lấy ý kiến của chính quyền cấp huyện đối với tổ chức, chính quyền cấp xã đối với cá nhân (nơi tổ chức đặt trụ sở, nơi cư trú của cá nhân) và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với các nội dung cam kết trong Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.
- Bản sao công chứng Quyết định về chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; Bản sao công chứng Thông báo về chấp nhận đơn hợp lệ đối với giống cây trồng mới.
- Bản sao công chứng các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn (đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài).
- Bản sao Giấy phép kinh doanh/Quyết định thành lập đối với tổ chức hoặc căn cước công dân đối với cá nhân.
2. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
2.1. Nội dung hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b khoản 2 và khoản 3 mục II Kế hoạch 262/KH-UBND
a) Hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP.
b) Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ:
- Hỗ trợ xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.
- Hỗ trợ khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.
- Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn đối với các sản phẩm, dịch vụ đã được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chủ thể quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và giống cây trồng; chủ thể quản lý và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
- Hỗ trợ Chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có các kết quả nghiên cứu ra các sản phẩm, dịch vụ đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
c) Hỗ trợ xây dựng, triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
d) Hỗ trợ xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về phát triển tài sản trí tuệ, thương hiệu.
đ) Hỗ trợ thiết kế hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
e) Hỗ trợ tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
f) Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketting, các hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm.
2.2. Mức hỗ trợ theo Quy định tại Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND (Hỗ trợ dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và quy định của UBND tỉnh Bình Phước về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước)
- Đối với các nội dung tại điểm a, b, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ.
- Đối với nội dung tại điểm c, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: Hỗ trợ 50 % kinh phí từ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ.
- Đối với nội dung tại điểm d, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: Hỗ trợ 50 % giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/đơn vị.
- Đối với nội dung tại điểm đ, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: Mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa: 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; Mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân khác bằng 80 % định mức quy định đối với hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đối với nội dung tại điểm e, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức hỗ trợ áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đối với các tổ chức, cá nhân khác, mức hỗ trợ bằng 80% định mức quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
- Đối với nội dung tại điểm f, khoản 2.1, mục 2, phần II của Hướng dẫn này: đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, mức hỗ trợ áp dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Đối với các tổ chức, cá nhân khác, mức hỗ trợ bằng 80% mức hỗ trợ quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
III. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM NHẬN HỒ SƠ ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ
1. Thời gian: Sở KH&CN thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề xuất hỗ trợ của các tổ, chức cá nhân vào giờ hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Địa điểm: Sở KH&CN, Số 678, quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ - Điện thoại: 02713 887 511 hoặc 0944 139 257 (gặp bà Phạm Thị Ngọc Hiền, chuyên viên Phòng QLKHCN).
Trên đây là Hướng dẫn nội dung hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sở KH&CN đề nghị các sở, ban, ngành; hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan phối hợp thông tin, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết để tham gia./.