Hơn bao giờ hết, cần có niềm tin và kỷ luật

Thứ tư - 21/07/2021 15:22
(CTTĐTBP) - “Thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ”. Bình Phước đã vì đại cục thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội. Bài học từ tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang sau 2 tháng đã trở lại bình thường khi hiện chủ trương “Nhà nhà cửa đóng then cài” là một bài học vô cùng quý giá.

Hôm qua 20/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19. 

Một trong những điểm đáng chú ý nhất, nghị quyết nêu rõ: Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định… Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.
 

anh kiem soat

Hoạt động ở các chốt kiểm soát giao thông và phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước được siết chặt, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Minh
 

Chính vì những điều đó, Chính phủ đã yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương, với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
 

Trên thực tế hiện nay, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định. Đến địa bàn thực hiện cách ly xã hội, bản thân người đó vừa có nguy cơ lây nhiễm cho vùng đang có dịch, thêm gánh nặng cũng như việc dập dịch thêm khó khăn; vừa có thể có nguy cơ bị lây nhiễm từ địa bàn đang có dịch này. Từ địa bàn đang có dịch tới địa bàn chưa có dịch, nguy cơ trở thành tác nhân gây ra dịch ở vùng đang an toàn là rất cao. 

Chính vì thế, nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm… tỉnh cách ly với tỉnh, hay nói cách khác là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không ai được tới - hoặc rời khỏi địa bàn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn lây lan và dập dịch đã được không chỉ Việt Nam chúng ta, mà cả thế giới đã khẳng định, nhiều quốc gia có dịch áp dụng trong thực tế thời gian qua.

Trước đó ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trở về các địa phương và bảo đảm những quy định về phòng, chống dịch. Nhưng tình hình dịch bệnh diễn ra quá nhanh và phức tạp, nên đến ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Bình Phước. Điều đó được hiểu là các địa phương phải chấp hành chỉ đạo mới nhất này. Và hôm nay chỉ đạo ấy còn cao hơn bằng Nghị quyết số 78 ngày 20/7/2021, yêu cầu: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống dịch, đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết...  Việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Những ngày gần đây, một thực tế không thể phủ nhận là khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và lây lan sang các địa phương lân cận, đồng thời hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, thì một số người vừa muốn rời khỏi vùng có dịch, vừa muốn giảm chi phí cuộc sống, nên đã về quê Bình Phước hoặc di chuyển đến vùng chưa có dịch để nương nhờ gia đình, bạn bè, người thân. Điều ấy không khó hiểu, bởi đó là một nhu cầu an toàn cơ bản của con người.

Bình Phước - địa bàn trung chuyển giữa trung tâm kinh tế Đông Nam bộ với Tây Nguyên và giáp ranh với nhiều tỉnh, vì thế, những ngày qua đã chịu áp lực rất lớn về việc người dân bất kể ngày - đêm, nắng - mưa di chuyển qua. Đặc biệt, khi 19 tỉnh, thành phía Nam chính thức thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ, áp lực này càng lớn hơn. Bởi lẽ, người dân trong khu vực đang thực hiện chỉ thị có xu hướng di chuyển tới khu vực hiện chưa phải thực hiện Chỉ thị 16, được xem là an toàn hơn - Tây Nguyên. 

Các chốt kiểm soát tập trung đông người, nếu không kịp thời giải quyết, nguy cơ cao sẽ tạo ra một ổ dịch Covid-19 ngay tại đây. Và đứng giữa lằn ranh thực hiện nghiêm theo quy định của Chỉ thị số 16 với nghĩa tình đồng bào, chỉ riêng trong 2 ngày 19, 20/7, Bình Phước đã phải áp tải hơn 2.000 người cùng với hàng trăm ô tô, xe máy đi qua địa bàn sang Đắk Nông, Đắk Lắk để bảo đảm an toàn phòng chống dịch đối với cả Bình Phước cũng như với chính người đi qua địa bàn tỉnh trong khi Bình Phước đang có dịch. Đó là tình người trong hoàn cảnh khó khăn. 

Đà Nẵng, Nghệ An hay một số tỉnh, thành khác những ngày qua có công văn đề nghị tạo điều kiện cho người các địa phương này ở vùng dịch đang cách ly xã hội được trở về quê (trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt). Tựa như Việt Nam từng đón nhiều kiều bào ở vùng dịch về nước. Người Việt Nam là thế, chia ngọt sẻ bùi, hoạn nạn có nhau. Thế nhưng, cái tình người ấy, cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống, luôn có giới hạn nhất định và trong những tình huống nhất định, ở một thời điểm nhất định, trong điều kiện kinh tế, tài chính nhất định. Mỗi địa phương, mỗi hoàn cảnh, điều kiện có một cách giải quyết khác nhau. Và nhà nước nào, chính quyền nào cũng luôn cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp tốt nhất cho nhân dân. 

Người Việt Nam có câu thành ngữ “Thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ”. Giữa lằn ranh của đường mực đó, Bình Phước đã vì đại cục thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội, đã có công văn đề nghị Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh phối hợp để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, trong đó có việc người dân rời khỏi địa phương để đến địa phương khác. Bình Phước đã có những ca nhiễm là người dân trở về gia đình từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và đã lây lan nhanh cho người thân, cộng đồng. 

Bài học từ tâm dịch của cả nước với gần 8.000 ca ở Bắc Ninh và Bắc Giang được khống chế, sau 2 tháng cuộc sống người dân và cả xã hội đã trở lại bình thường khi quyết liệt thực hiện chủ trương “Nhà nhà cửa đóng then cài”, là một bài học vô cùng quý giá. 

Mỗi người dân Bình Phước, dù đang ở Bình Phước hay đang ở nơi đâu cũng như người dân 19 tỉnh, thành phố đang cách ly xã hội thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, cần có niềm tin mạnh mẽ và tuân thủ nghiêm các giải pháp của cơ quan chức năng, đặt cộng đồng lên trước hết, trên hết. Có như thế, chúng ta mới nhanh chóng khống chế được đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường, các nhà máy, khu công nghiệp sớm sáng đèn trở lại, đúng với hình ảnh của một vùng kinh tế sôi động và sầm uất nhất cả nước./.

Tác giả: Trần Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,524
  • Hôm nay504,800
  • Tháng hiện tại17,456,104
  • Tổng lượt truy cập477,348,791
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây