Hội thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực công tác dân tộc, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số, đẩy mạnh việc tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá, phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá truyền thống vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết của đồng bào, chia sẻ kinh nghiệm hay, mô hình hoạt động có hiệu quả, phù hợp của các xã, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để nhân rộng trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng tham gia hội thi là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, cộng tác viên xã hội cấp xã; bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ thôn, ấp, khu phố; trưởng thôn, phó thôn; bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên thôn; chi hội trưởng, chi hội phó chi hội phụ nữ thôn; ban công tác mặt trận thôn; người có uy tín, già làng tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người kinh doanh, sản xuất giỏi, người tiêu biểu… trên địa bàn cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 01 đội tham gia hội thi cấp tỉnh. Mỗi đội thi gồm 20 người (tính cả trưởng đoàn), đảm bảo tỷ lệ nam, nữ không được chênh lệch quá 30% tổng số người trong đội thi, tỷ lệ thành viên là người dân tộc thiểu số từ 50% trở lên. Có năng khiếu về ca, múa, kịch, có khả năng diễn đạt trước đám đông..., có kiến thức pháp luật, xã hội để tham dự Hội thi.
Nội dung thi về các chủ đề pháp luật mang tính thời sự, liên quan thiết thực đến thực thi pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; các chính sách, pháp luật khác liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hội thi được tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, được diễn ra tập trung trong 01 ngày, các phần thi trực tiếp trên sân khấu, theo phương thức các đội thi bốc thăm số thứ tự dự thi. Số thứ tự dự thi của mỗi đội bốc thăm được sẽ là thứ tự dự thi của đội đó trong từng phần thi.
Các đội thi tham gia 04 phần thi với tổng số điểm tối đa là 100 điểm: thi chào hỏi (tối đa 20 điểm), thi trắc nghiệm kiến thức (tối đa 20 điểm), thi trả lời tình huống (tối đa 20 điểm) và thi tiểu phẩm tuyên truyền (tối đa 40 điểm). Căn cứ xếp hạng và trao giải là tổng điểm cả 04 phần thi của các đội tính từ đội có số điểm cao nhất. Các đơn vị tham gia hết 04 phần thi sẽ được tính điểm toàn đoàn.
Giải thưởng các phần thi (04 phần thi): 04 giải nhất, 1.500.000 đồng/giải; 04 giải nhì, 1.000.000 đồng/giải; 08 giải ba, 800.000 đồng/giải; 12 giải khuyến khích, 500.000 đồng/giải.
Giải toàn đoàn gồm: 01 giải nhất, 7.000.000 đồng; 01 giải nhì, 5.000.000 đồng; 01 giải ba, 3.000.000 đồng; 03 giải khuyến khích, mỗi giải 1.500.000 đồng; 01 giải phụ cho đội cổ động viên nhiệt tình nhất, 500.000 đồng.
Chi tiết quy chế, thể lệ Hội thi xem:
tại đây./.