Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội, các ban, ngành trung ương, địa phương và Nhân dân đã chung tay nỗ lực khắc phục, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Song, vẫn còn hàng nghìn tấn bom đạn trong lòng đất, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, làm ô nhiễm môi trường nặng nề, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Bình Phước là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Hiện nay có khoảng gần 219.104 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ nằm rải rác ở khắp các địa phương. Từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện, xử lý, tiêu hủy hơn 45,8 tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, với hơn 13.800 quả bom, mìn và vật liệu nổ.
Riêng 2 năm (2023, 2024), lực lượng chức năng đã xử lý an toàn hàng chục quả bom cỡ lớn từ 250kg trở lên, hàng trăm quả đạn pháo 105mm, cùng hàng nghìn ki-lô-gam đạn, pháo các loại còn nguyên kíp nổ được người dân phát hiện trong khi thi công các công trình xây dựng, lao động sản xuất, phát nương rẫy… Cũng từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 06 vụ tai nạn bom mìn, vật nổ, làm 04 người chết và 08 người bị thương, làm chết nhiều trâu bò của người dân, gây ra những tổn thất và hậu quả vô cùng nặng nề cho các gia đình nạn nhân.
Để giảm thiểu tai nạn, thương tích và hậu quả đau lòng do bom mìn, vật nổ gây ra; vì sự an toàn cho bản thân, bình yên của gia đình và vì sự phát triển ổn định của xã hội, bà con nhân dân cần nêu cao cảnh giác, phát hiện bom mìn hoặc dấu hiệu có bom mìn, vật nổ cần thực hiện ngay các cách xử lý như sau: Không được tụ tập đông người để xem; tuyệt đối không được tự ý đụng, chạm, nhặt, không tác động hay di chuyển bất kì bom mìn, vật nổ từ nơi này sang nơi khác; đánh dấu xung quanh vị trí bom, mìn, vật nổ, cắm biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cử người canh gác. Đồng thời, giữ nguyên hiện trường, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng địa phương (chính quyền, đơn vị quân đội hoặc công an), hoặc những người có trách nhiệm ở gần nhất để báo với cơ quan chức năng xử lý./.