(CTTĐTBP) - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, lực bán chiếm ưu thế ở phần lớn các mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, khiến cho chỉ số MXV-Index giảm gần 1% về mức 2.917,35 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ so mức trung bình của tuần trước, về gần 4.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giới đầu tư thận trọng hơn trước các báo cáo quan trọng của nhóm năng lượng phát hành trong tuần này.
Dầu thô đánh mất mốc 100 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 4,04% xuống 94,29 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 4,18% xuống 98,48 USD/thùng.
Tiếp nối Thượng Hải, thành phố Quảng Châu cũng đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 toàn bộ 18 triệu dân để kiểm soát dịch lây lan. Thông tin trên, kết hợp với các dữ liệu kinh tế tiêu cực của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo thông tin của Reuters, một số nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ vận hành và giảm lượng dầu thô tiêu thụ, nhằm tránh áp lực cho đầu ra. Lạm phát đầu vào của Trung Quốc, thể hiện qua số liệu Chỉ số giá đầu vào PPI tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể dự báo 7,9% của giới phân tích, cho thấy áp lực giá cả dành cho các nhà máy sản xuất ngày càng lớn.
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo tiêu thụ dầu của thế giới có thể giảm 1 triệu thùng/ngày trước áp lực của giá cả. Với các diễn biến mới, các tổ chức năng lượng lớn như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể cũng sẽ điều chỉnh dự báo trong báo cáo chiều nay.
Nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi đó nguồn cung dầu lại được cải thiện khiến giá duy trì đà giảm đến hết phiên. Bên cạnh gần 300 triệu thùng dầu mà các nước tiêu thụ dầu lớn cam kết sẽ giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược, xuất khẩu dầu của Nga có dấu hiệu khôi phục, bất chấp các khó khăn trong tuyến đường vận chuyển ban đầu.
Trong tuần kết thúc ngày 8/4, khối lượng dầu xuất khẩu đạt mức 4 triệu thùng dầu, mức cao nhất kể từ đầu năm, và cao hơn gần 250.000 thùng so tuần trước đó. Nguyên nhân là do các tàu chở dầu từ Nga đã chuyển hướng khỏi lịch trình thông thường sang châu Âu để đến với người mua châu Á. Các thông tin mới này phần nào đẩy giá dầu xuống gần vùng giá cuối tháng 2/2022, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine mới bắt đầu.
Sáng hôm nay, thị trường đang phục hồi phần nào nhờ lực mua bắt đáy và thông tin mới rằng Thượng Hải đang tiến hành phân loại các khu dân cư để nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị hạn chế khi các nhà đầu chờ đợi các dữ liệu mới từ 2 báo cáo tháng thị trường dầu quan trọng của OPEC và EIA tối nay để có thêm dữ liệu nhằm đánh giá tình hình thị trường.
Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 12/4 được nhiều đại lý dự đoán sẽ tiếp tục giảm theo giá dầu thế giới. Tuy nhiên, mức giảm có thể không quá 1.000 đồng./.