Đề nghị quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông

Thứ năm - 26/05/2022 08:39
(CTTĐTBP) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử và các đại biểu Quốc hội theo hướng quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc, với khối lượng kiến thức phù hợp.
 
z3441672336649 40c3cf6263dc11822 1653524560897
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 25/5. (Ảnh: KHOA LINH)

Đây là nội dung kiến nghị trong Báo cáo chuyên đề về “Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông” Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi có nhiều ý kiến cử tri và nhân dân băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc.

Vị trí quan trọng của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ký nêu rõ, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, trong đó có môn Lịch sử.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12).

Trong đó, chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở), và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.

Cấu trúc Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi căn bản, thể hiện rõ mục tiêu định hướng nghề nghiệp, được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp đồng tâm.

Theo đó, Chương trình môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, với nội dung hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, khác với cách thiết kế các mạch nội dung Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là dựa trên nguyên tắc đồng tâm theo tiến trình lịch sử dân tộc và thế giới.

Chương trình giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, những kiến thức và năng lực đánh giá, giải thích, xác định bài học, tìm ra các quy luật của sự kiện lịch sử này rất cần được trang bị cho học sinh thông qua môn Lịch sử bắt buộc ở Chương trình trung học phổ thông.
 

 

Nội dung giáo dục trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) gồm các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn (Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lý, Hoá học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật), trong đó, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học và các chuyên đề học tập lựa chọn.


Không đồng tình đưa môn Lịch sử thành môn lựa chọn
 
hsls 1653525288892
Học sinh trong giờ học lịch sử tại bảo tàng. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc, đồng thời cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh.

Báo cáo nêu rõ, kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn với những lý do sau đây:

Thứ nhất, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử, bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội, từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.

Vì vậy, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đối với môn học Lịch sử; sự cần thiết cân nhắc phương án đối với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử…”, hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp, thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Do đó, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội theo hướng quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Ủy ban cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, Chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
 

 

Khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra:

- Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

- Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là 1 trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

- Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp, đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 

Tác giả: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập991
  • Hôm nay288,624
  • Tháng hiện tại9,735,364
  • Tổng lượt truy cập493,598,802
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây