(CTTĐTBP) - Đây là chủ đề tham luận do Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trình bày tại Trung tâm thảo luận số 5, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Trong những năm qua, nhận thức rõ phụ nữ và các cấp hội phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tham gia quản lý nhà nước, cho nên UBND tỉnh Bình Phước luôn quan tâm phát huy tốt vai trò của các cấp hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, đảm bảo theo đúng Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tham gia quản lý nhà nước. Cùng với đó là sự phối hợp giữa UBND các cấp với hội LHPN cùng cấp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện tốt bình đẳng giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nêu rõ, thời gian qua, UBND các cấp tạo điều kiện thuận lợi và tích cực phối hợp với các cấp hộiphụ nữ thực hiện tốt cáchoạt động, nhiệm vụ được giao; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án có liên quan đến phụ nữ đã được Chính phủ phê duyệt; quan tâm và chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp hội.
Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng, góp phần tạo nên điểm sáng trong việc thực hiện công tác cán bộ nữ của Bình Phước: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 có 15/53 đồng chí là nữ (chiếm 28,3%, tăng 6,5% so với nhiệm kỳ trước); Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 6/15 đồng chí (chiếm 40%, tăng 8,6% so với nhiệm kỳ trước); đại biểu Quốc hội khóa XV có 1 đồng chí (đạt 16,67%); đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: cấp tỉnh có 16 đại biểu (đạt 26,67%), cấp huyện có 107 đại biểu (đạt 30,23%), cấp cơ sở có 835 đại biểu (đạt 30,22%).
UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở luôn tạo điều kiện để các cấp hội phụ nữ phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên hỗ trợ các cấp hội phụ nữ trong công tác hòa giải tại cơ sở, tư vấn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ trong tỉnh.
Bình Phước cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để hội LHPN cùng cấp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được giao, đặc biệt đối với những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới.
Trong nhiệm kỳ qua đã hỗ trợ các cấp hội phụ nữ giải quyết 68 vụ việc xâm hại trẻ em; tư vấn, hỗ trợ 239 trường hợp kết hôn với người nước ngoài và hoà giải thành 1.328 vụ việc. Từ năm 2017 đến nay, UBND các cấp đã tạo điều kiện cho các cấp hội phụ nữ cùng cấp thực hiện giám sát 249 đợt đối với 65 chính sách. Kiến nghị, đề xuất của các cấp hội phụ nữ đều được các cơ quan, đơn vị ghi nhận, tiếp thu, giải trình, điều chỉnh phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền một trong những giải pháp quan trọng đó là UBND các cấp luôn quan tâm hỗ trợ về kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ hội cơ sở theo đúng quy định.
Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, với kinh phí gần 2 tỷ đồng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cho các cấp hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước; bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới nhằm không ngừng khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong tình hình mới./.