Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Thứ ba - 07/11/2023 07:55
(CTTĐTBP) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 06/11/2023, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã tham gia chất vấn về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế và phân bổ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội.

Theo đó, đại biểu Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã phát biểu ý kiến: Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả đạt được còn hạn chế. Đến nay còn 28/102 nhiệm vụ đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 21/30 chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần cho biết, nhận thức trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đã đầy đủ, tương xứng chưa? Trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên những chỉ tiêu, nhiệm vụ nào?
screenshot 1699324196
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời vấn đề, câu hỏi đại biểu đặt ra
Trước khi trả lời vấn đề của đại biểu Phan Viết Lượng nêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các đại biểu đã đặt nhiều vấn đề liên quan về kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng. Những ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn, góp phần gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp có ý nghĩa về mặt điều hành trong thời gian tới. Các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã cố gắng làm rõ những vấn đề, trong đó có những vấn đề đã nghiêm túc chỉ đạo và thực hiện để có những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề phức tạp, cần có thời gian, thêm nguồn lực, cũng như thống nhất trong cả hệ thống để thực hiện hiệu quả.
screenshot 1699323714
Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn đối với những tác động từ bên ngoài, đặc biệt sức cạnh tranh còn rất hạn chế. Vì vậy, Đảng đã có chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ Nghị quyết này, tháng 4/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong Nghị quyết đưa ra 14 mục tiêu rõ ràng, 102 nhiệm vụ cụ thể. Tất cả các nhiệm vụ này, hiện nay các bộ ngành, địa phương đã triển khai. Tuy nhiên, đây là chương trình 05 năm, mới triển khai thực hiện được 02 năm nên các công việc chưa hoàn thành toàn bộ. Cụ thể có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành, đã có văn bản; 28 nhiệm vụ đang triển khai và hoàn thiện để có văn bản phê duyệt; 37 nhiệm vụ triển khai theo kế hoạch…, có một số chỉ tiêu khó thực hiện trong năm tới như thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ, sau 02 năm thực hiện, đã có nhiều mục tiêu, chính sách phát huy tác dụng, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ, sử dụng linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng. Cùng với đó, thời gian qua, các thị trường tiếp tục được phát triển như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lực lượng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mục tiêu khác về cơ sở hạ tầng từng bước đạt được.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa, cụ thể là tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ, năng suất lao động; cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi đáng kể. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại những lĩnh vực trọng tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp trong nước, tập trung phát huy vai trò dẫn dắt; đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng. Tư đó, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy các ngành tăng trưởng theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh bền vững, phát triển các ngành mới và phát triển dịch vụ chất lượng cao.

"Nhiều năm qua, ngân sách Nhà nước dành cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng, việc thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế. Xin hỏi nguyên nhân của hạn chế nêu trên và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng như thế nào?"
 
Đại biểu Phan Viết Lượng nêu vấn đề tại phiên chất vấn

Giải trình về vấn đề phân bổ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra rằng, Chính phủ rất quan tâm đến bố trí nguồn lực cho 02 lĩnh vực này. Bình quân hằng năm bố trí khoảng 14,7% cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, kế hoạch đầu tư công cũng đã dành khoảng 3,7% cho chi đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đối với lĩnh vực văn hóa, vừa rồi cũng bố trí gần 2.000 tỷ để tu bổ các di tích, lịch sử văn hóa cần thiết. Tuy nhiên, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, còn tình trạng dàn trải trong thực hiện, còn phân bổ trong nhiều năm và sử dụng không hết dự toán.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung, căn cứ vào những chủ trương của Đảng để có chỉ đạo kiên trì và coi đầu tư cho giáo dục và đào tạo, văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước. Quan tâm bố trí nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn thì đẩy mạnh xã hội hóa; huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư. Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong chương trình này ưu tiên nguồn lực cho những mục tiêu trọng tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương xử lý hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư. Cuối cùng, Chính phủ khẩn trương sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ để đặt hàng, hoặc đấu thầu hiệu quả, qua đó nâng cao tính minh bạch, hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo chương trình, phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, từ sáng ngày 06 - 08/11/2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành 04 nhóm lĩnh vực gồm: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội./.

Tác giả: Hải Hoà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,065
  • Hôm nay303,945
  • Tháng hiện tại10,770,536
  • Tổng lượt truy cập456,165,658
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây