Chuyển đổi số truyền thanh cơ sở

Thứ hai - 20/02/2023 09:28

(CTTĐTBP) - Thực hiện Quyết định số 135, ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với các thông tư, công văn hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), Bình Phước vừa đưa vào vận hành hệ thống thông tin nguồn. Hệ thống này cung cấp thông tin nguồn cho đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời quản lý tình trạng hoạt động của các cụm loa trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của tỉnh đang được triển khai ở xã, phường, thị trấn và quản lý tập trung ở cấp tỉnh, gồm 2 thành phần: Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

Đối với đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT đang sử dụng phương thức truyền tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của hệ thống đài phát thanh từ Trung ương đến cơ sở, là con đường ngắn nhất để đưa thông tin đến người dân.

Xã Đường 10, huyện Bù Đăng đang vận hành song song các cụm loa truyền thanh có dây và hệ thống truyền thanh không dây thông minh phù hợp tình hình thực tế của địa phương

Bà Võ Thị Phương ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng chia sẻ: “Mình ở xa trung tâm, không sử dụng điện thoại thông minh nên chỉ xem tin tức trên tivi và nghe thông tin trên loa truyền thanh. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thông tin nơi mình sống đều được thông báo kịp thời giúp người dân đi làm rẫy cũng nắm được thông tin, cán bộ thôn không phải đi đến từng nhà thông báo như trước”.

Khi ứng dụng CNTT-VT, hệ thống này tiếp nhận thông tin từ hệ thống thông tin nguồn Trung ương để đăng phát trên đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử công cộng. Nội dung thông tin sẽ tập trung đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của quốc tế, đất nước, địa phương; tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị liên quan trực tiếp đến cơ sở… Hệ thống thông tin nguồn gửi đến đài truyền thanh cấp xã sẽ ưu tiên tin tức mức độ từ cao xuống thấp như: bản tin khẩn cấp, bản tin ưu tiên và bản tin thông thường.

Chị Lương Thị Hoa phụ trách Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh cho biết: Hệ thống này đang được tích hợp và theo dõi tại Trung tâm IOC tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có thể quan sát, nắm tình trạng hoạt động của các cụm loa, nội dung, thời gian các bản tin địa phương đã phát, số lượng bản tin theo địa bàn, lĩnh vực, đánh giá hiệu quả hoạt động phát thanh trong từng thời gian cụ thể, giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, điều hành hiệu quả hơn.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đang được tích hợp và theo dõi tại Trung tâm IOC tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, điều hành hiệu quả hơn

Tính đến cuối tháng 12-2022, trên địa bàn tỉnh có 1.639 cụm loa với 3.807 loa được lắp đặt và đưa vào vận hành, trong đó 1.484 cụm loa với 3.423 loa thuộc dự án đầu tư hệ thống loa thông minh cho các xã, phường, thị trấn của tỉnh giai đoạn 2021-2025; 155 cụm loa với 384 loa được đầu tư từ các dự án khác.

Ông Nông Hồng Thức, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi lắp đặt và bàn giao, sở đã tổ chức 12 buổi tập huấn cho các cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã về kỹ năng vận hành, sử dụng các cụm loa; kỹ năng viết, biên tập tin, bài trên sóng phát thanh. Cùng với đó, UBND tỉnh đã triển khai các phương thức phối hợp cung cấp thông tin giữa các sở, ngành, địa phương; bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, đảm bảo điều kiện cho các cụm loa ứng dụng CNTT-VT hoạt động hiệu quả.

Qua vận hành, bước đầu đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT đã cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Với hệ thống loa gọn nhẹ nhưng tần âm phát sóng và độ bao phủ sóng rộng, giúp người nghe nắm rõ thông tin dễ dàng. Việc thực hiện thu âm, phát thanh mọi lúc, mọi nơi tới từng cụm loa đang giúp giảm chi phí nhân công vận hành. 

Ông Nông Hồng Thức, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước

Việc đầu tư loa truyền thanh thông minh là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời, góp phần làm tăng hiệu quả công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển phát thanh trong kỷ nguyên số./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập928
  • Hôm nay76,654
  • Tháng hiện tại9,852,734
  • Tổng lượt truy cập493,716,172
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây