(CTTĐTBP) - Bình Phước cũng như một số tỉnh, thành trong khu vực, đến thời điểm này cơ bản đã kiểm soát được dịch. Một trạng thái bình thường mới đã, đang được thiết lập. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, sau mỗi đợt nới lỏng giãn cách, trong các khu dân cư thường xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Và bài học về sự mất cảnh giác dẫn đến dịch bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành, quốc gia khi chưa kiểm soát được dịch ở mức an toàn vẫn còn nguyên giá trị.
Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi”. Chính vì vậy, trên cơ sở “biết người”, “biết ta”, với phương châm “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”, nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng đang dần tái khởi động. Và việc mở cửa trở lại nền kinh tế lúc này là cần thiết, tuy nhiên mở cửa thế nào để người dân được an toàn, doanh nghiệp hoạt động ổn định là điều mọi người mong muốn.
Qua gần 2 năm phòng, chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về vi rút SARS-CoV-2, về dịch bệnh và rút ra những bài học kinh nghiệm. Một khi tình hình dịch tại địa phương và các tỉnh, thành giáp ranh chưa được kiểm soát ở mức an toàn, còn đan xen vùng xanh, đỏ, vàng, cam thì nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch vẫn luôn tiềm ẩn. Đặc biệt gần đây, lợi dụng việc nới lỏng giãn cách, một số người thiếu ý thức, né chốt kiểm soát dịch trở về địa phương và được phát hiện nhiễm bệnh càng gây áp lực cho sự mở cửa trở lại. Trong khi tỷ lệ người dân trong tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đạt ngưỡng an toàn thì sự chủ quan, lơ là có thể làm bùng phát dịch bất cứ lúc nào.
Áp lực đối với nền kinh tế khi mở cửa trở lại là rất lớn nếu người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm. Chính vì vậy, để mở cửa trở lại an toàn cần có những bước đi thận trọng, trên cơ sở đánh giá đúng thực tiễn với những kịch bản, kế hoạch chi tiết cho từng tình huống. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, do vậy phải có những giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp chưa có trong tiền lệ. Nhiều chính sách, thủ tục sẽ phải thay đổi để toàn xã hội cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau vượt qua đại dịch, vì sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đã đến lúc không thể kéo dài mãi phương án “3 tại chỗ” vì sẽ tăng áp lực cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Nơi nào an toàn thì vẫn duy trì sản xuất trên cơ sở kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện tốt phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến” và các biện pháp “5K”.
Tuy nhiên, vượt qua đỉnh dịch, nền kinh tế Bình Phước cũng như các tỉnh, thành phía Nam rất cần thời gian và sự trợ lực từ nhiều phía để vực dậy. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, ngày 7-10, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt. Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, Tổ phó là các Phó chủ tịch UBND tỉnh. Đây thực sự là bước chạy đà, khởi động cần thiết để mở cửa trở lại. Chủ trương, biện pháp và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đã rõ, điều cực kỳ quan trọng là sự bứt phá, chủ động đổi mới, thích nghi của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và mỗi người dân; cần tranh thủ lợi thế, chớp thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng./.