Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường

Thứ năm - 23/06/2022 09:00

(CTTĐTBP) - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, nguyên, nhiên, vật liệu chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu năm; qua đó giúp mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, so với cùng kỳ năm 2021, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25%, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm tăng 1,1%.

Trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng trong đó có những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải và một số nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế… đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, căn cứ các văn bản thông báo về các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022 (văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022), đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, sát với tình hình thực tế, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Tiếp tục theo dõi sát tình hình lạm phát và các chính sách ứng phó của các nước

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế, lạm phát và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản cụ thể, chi tiết, sát với tình hình thực tế giúp cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường

Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ Tài chính bám sát chỉ đạo tại Công văn số 3173/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022 để hoàn thiện dự án Luật giá đảm bảo tiến độ; các Bộ, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tham gia ý kiến cũng như triển khai xây dựng và sửa đổi, bổ sung các dự án Luật có liên quan (như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Viễn thông sửa đổi...) đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn

Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Cụ thể, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp

Về vật liệu xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hiệu quả nguồn cung; không để xảy ra tình trạng găm giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng chủ động tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng theo yêu cầu kỹ thuật của công trình giao thông, đặc biệt là các vật liệu sử dụng làm đường cao tốc gửi các địa phương có cơ sở thực hiện xác định, công bố giá theo quy định. Các địa phương chú trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời theo quy định; phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm lưu thông, nguồn cung vật liệu xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường; phục vụ nhu cầu trong nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; phân bón.

Với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung nhất là giai đoạn cuối năm; Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, đánh giá kỹ tác động, đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, bảo đảm thận trọng, hạn chế tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tế, có lộ trình điều chỉnh rõ ràng; tiếp tục tiếp nhận kê khai giá theo quy định pháp luật; các đơn vị xuất bản tiếp tục rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay167,253
  • Tháng hiện tại1,516,381
  • Tổng lượt truy cập446,911,503
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây