Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau: bám sát tất cả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 01/8/2023, Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024, Công văn số 3364/BCĐ-QLTT ngày 27/9/2023, Công văn số 03/BCĐ-QLTT ngày 05/02/2024 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về tăng cường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam. Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện các kế hoạch chuyên đề, trọng điểm như: chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; chống buôn lậu và vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới; chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu để người tiêu dùng nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền cho Nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, cơ quan chức năng và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.
Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa bàn và diễn biến thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đối với các mặt hàng: xăng dầu, khí, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm giày dép, quần áo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hình thức kinh doanh khác trên môi trường thương mại điện tử.
Tại Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh giao Cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. Đặc biệt, lưu ý đến với mặt hàng vàng, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc tân dược, khí dầu mỏ hóa lỏng lưu thông trên thị trường; kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm,... và nhóm sản phẩm, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu; phối hợp giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thường xuyên rà soát các đối tượng, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao để có biện pháp giáo dục, răn đe. Phối hợp chặt chẽ với các ngành và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, phòng ngừa tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác giáo dục, vận động cư dân biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị, thành phố làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để lập hồ sơ đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các tội phạm ma túy, buôn bán hàng cấm, tiền VNĐ giả, vàng nhập lậu, vàng giả, kinh doanh sử dụng trái phép pháo nổ, khí N2O; các mặt hàng liên quan đến các nhóm mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá các loại…; mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, điện tử, điện lạnh, lĩnh vực thương mại điện tử… Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế… trong công tác phát hiện các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả… để có biện pháp đấu tranh phù hợp, đạt hiệu quả cao. Tiếp nhận và điều tra khởi tố nhanh những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự do các cơ quan chức năng chuyển giao và do chính đơn vị bắt giữ./.