Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 04/11/2024 08:37
(CTTĐTBP) - Với sự tiện lợi, dễ dàng, mua sắm trực tuyến đang trở thành hình thức được nhiều người lựa chọn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều hình thức lừa đảo trên mạng, trong đó có hình thức lừa đảo trực tuyến "giả danh nhân viên giao hàng".
Trước đây, nạn nhân của các vụ lừa đảo chủ yếu là người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay cả giới trẻ, nhân viên văn phòng, những người thường xuyên mua sắm trực tuyến đang trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng thay đổi tinh vi hơn. Nếu như thời gian trước, đối tượng lừa đảo thường giả mạo thông tin đơn hàng và khẩn trương yêu cầu chuyển khoản, thì gần đây chúng sử dụng các phương thức mua bán, hoặc đánh cắp dữ liệu để thu thập thông tin chính xác, khiến nạn nhân không nghi ngờ gì. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này đang ở mức báo động.
Theo Bộ Công an, số lượng các vụ việc giả danh nhân viên giao hàng đang ngày càng gia tăng. Mặc dù đã có nhiều vụ việc bị bắt giữ, nhưng đa phần rất khó khăn trong công tác điều tra, vì đối tượng lừa đảo dùng sim ảo và số tài khoản thuê để thực hiện hành vi lừa đảo.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Đây là thủ đoạn mới, tội phạm công nghệ cao sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận, tin nhắn công khai trên livestream hoặc thu thập thông tin của người đặt hàng khi người bán hàng trực tuyến, đơn vị vận chuyển để xảy ra sơ hở, lỗ hổng lộ lọt thông tin khách hàng trong quá trình quản lý hệ thống và nhân viên của mình.
Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó, sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói để hàng trong sân nhà hoặc gửi hàng xóm, người quen… và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.
Bên cạnh đó, đối tượng thường tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay, hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao. Còn nếu hàng giá trị thấp, nạn nhân điện thoại lại cho đối tượng, sẽ bị đối tượng gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng, để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Đồng thời, thực hiện nhập mã OTP theo hướng dẫn của chúng, để thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền rồi bị chiếm đoạt.
Để phòng ngừa thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý: Trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kĩ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng, hoặc dịch vụ giao hàng chính thức. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng. Tránh chuyển tiền vào những tài khoản không rõ ràng.
Đồng thời, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư, hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với các đơn vị bán hàng./.