(CTTĐTBP) - Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, từ hôm nay (8/11), Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam dự phiên thảo luận
Trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao.
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 8/11
Ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP).
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên thảo luận
Bày tỏ đồng tình cao với các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu đề xuất thêm các giải pháp: Trước tiên về phòng chống dịch bệnh cần đầu tư cho hệ thống dự phòng, tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách tăng vòng quay tiền; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch...
Theo các đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc.
Đại biểu Trần Văn Khải
Cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
Đại biểu TRẦN VĂN KHẢI
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
|
Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp trong biến động, các đại biểu đề xuất các giải pháp liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: khắc phục tình trạng đất đai manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn; sớm sửa đổi luật đất đai; quản lý giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất nông nghiệp; kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi giá trị để khắc phục "điệp khúc" được mùa, mất giá...
Đánh giá cao kết quả đất nước đã cơ bản kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp liên quan đến phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển KT-XH.
Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch…
(Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đặt ra trong năm 2022)
|