Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 19/07/2023 14:21
(CTTĐTBP) - Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính,… Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm đến trải nghiệm của người dùng.
Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính về sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023.
Tại điểm cầu Bình Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tham dự.
Báo cáo sơ kết tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban chỉ đạo các cấp luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược, thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Nhận thức và hành động về cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Các nội dung trong cải cách hành chính bao gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính quyền số được quan tâm thực hiện toàn diện.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2023 đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quyết định kinh doanh tại 20 văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi 19 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp giải quyết 98/699 thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Đối với nội dung cải cách thủ tục hành chính, theo thống kê, đến nay đã có 4.422/6.423 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chiếm 68,8%; 63/63 địa phương hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành tăng 10% và tại địa phương tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022,…
Tuy nhiên, có thể thấy, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính,… Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm đến trải nghiệm của người dùng. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính còn chưa cao. Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập,….
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới phải tạo được đột phá trong cải cách hành chính, làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính mà còn phải thực hiện đồng bộ cùng với các nội dung khác như cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy,… Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao./.