Chỉ thị đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong các lĩnh vực như bưu chính; viễn thông; chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ số; an toàn thông tin mạng; kinh tế số - xã hội số; công nghiệp công nghệ số; báo chí, truyền thôn; xuất bản, in và phát hành; phát triển nhân lực số.
Đối với lĩnh vực bưu chính, lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi; Hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; Đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài phạm vi công ích. Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) của Việt Nam thuộc nhóm 8 trong bảng xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).
Lĩnh vực viễn thông, tập trung xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về viễn thông; phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 5G hướng tới số trạm 5G đạt 50% số trạm 4G. Đồng thời nghiên cứu, triển khai sử dụng thông tin liên lạc vệ tinh để phủ sóng các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Thúc đẩy chuyển đổi Internet Việt Nam sang IPv6. Thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ quốc tế; tổ chức các sự kiện chuyên sâu về Internet, đưa sự kiện lớn, chuyên ngành quốc tế về Việt Nam. Hiện đại hóa, nâng cao năng lực, an toàn thông tin các mạng, hệ thống thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; sẵn sàng hạ tầng phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số quốc gia, tập trung xây dựng các văn bản, kế hoạch thực thi các chương trình, nghị quyết Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Tổ chức triển khai hoạt động Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số để dẫn dắt, điều phối hoạt động chuyển đổi số trên quy mô quốc gia. Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, và an toàn thông tin cho cán bộ, người lao động. Tập trung đào tạo chuyên sâu về kiến trúc, dữ liệu, an ninh mạng, nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nền tảng và dịch vụ số.
Lĩnh vực Chính phủ số, phấn đấu đạt mục tiêu quốc gia là đến hết năm 2025, tỷ lệ hồ sơ Dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp được xử lý trực tuyến toàn trình đạt trên 80%, tối thiểu tại từng bộ ngành và địa phương là 70%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần đạt trên 80%.
Kinh tế số và xã hội số sẽ được kích cầu tiêu dùng số, đo lường kinh tế số theo ngành và địa phương, đồng thời phát huy vai trò doanh nghiệp công nghệ dẫn dắt trong chuyển đổi số. Về phát triển nhân lực số, Bộ đặt mục tiêu xây dựng nền tảng đào tạo đa nghề, ứng dụng công nghệ số, tổ chức đào tạo nghề nghiệp liên kết với các trường lớn, ưu tiên các lĩnh vực CNTT và viễn thông.
Đối với lĩnh vực báo chí và truyền thông, khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung pháp lý thông tin, truyền thông, sửa đổi Luật Báo chí. Nghiên cứu cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí, thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2030. Thúc đẩy xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, ứng dụng AI, Big Data để tăng cường hiện diện và tiếp cận công chúng. Kết nối doanh nghiệp công nghệ với cơ quan báo chí để xây dựng nền tảng số, định hướng thông tin chính thống trên mạng. Hoàn thiện hành lang pháp lý, đặc biệt là Luật Quảng cáo và thực hiện Nghị định số 147/2024/NĐ-CP. Nâng cao năng lực đội ngũ báo chí, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Phát triển nền tảng dữ liệu “Make in Vietnam” về hành vi người đọc báo chí, áp dụng toàn quốc. Tích cực tuyên truyền chính sách, phản bác thông tin sai trái, gỡ bỏ nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới trong năm 2025 bên cạnh những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại./.