(CTTĐTBP) - Từ tháng 8/2023 đến nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là sau thời điểm nhập học. Riêng tỉnh Bình Phước, từ ngày 01 - 12/9 đã ghi nhận 5.859 trường hợp đau mắt đỏ.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, phần lớn các trường hợp bệnh đau mắt đỏ tập trung tại các trường học, chủ yếu là trường THCS, tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo… Bệnh đau mắt đỏ là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và lây trực tiếp qua tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua các vật dụng sinh hoạt…
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này, giảm các trường hợp có biến chứng nặng về mắt, Sở Y tế tỉnh Bình Phước vừa có văn bản yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác triển khai phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo TTYT các huyện, thị xã, thành phố xây dựng triển khai công tác tuyên truyền các hoạt động phòng chống, các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư... Chủ động phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh xây dựng, tiếp nhận, nhân bản tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, chủ động truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo TTYT các huyện, thị xã, thành phố xây dựng triển khai công tác tuyên truyền các hoạt động phòng chống, các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư... Chủ động phối hợp với Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh xây dựng, tiếp nhận, nhân bản tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, chủ động truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
TTYT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu lãnh đạo UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Đồng thời, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai giám sát, thống kê tình hình đau mắt đỏ, hướng dẫn các biện pháp xử lý ban đầu, các hoạt động phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường, đặc biệt chú ý đến các nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo; đảm bảo công tác vệ sinh phòng học, dụng cụ học tập, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt cá nhân… Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được cho tạm nghỉ học, điều trị và cách ly tại nhà, nhằm hạn chế lây lan tại các trường học và cộng đồng. Thường xuyên giám sát, báo cáo số mắc bệnh hàng tuần về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có số liệu tổng hợp, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời có các giải pháp thích hợp khi số trường hợp bệnh tăng đột biến.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ. Thông báo kịp thời cho Trạm Y tế, TTYT các huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh. Chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày, báo cáo tuyến trên đúng quy định.
5 khuyến cáo cần biết để phòng chống đau mắt đỏ
Để chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
|